Tinh giản phải thực chất
Ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trước đó cũng đã có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ. Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2021 sẽ tinh giản 10% biên chế công chức và giảm 10% viên chức khối đơn vị sự nghiệp công lập.
Trung tâm Hành chính công thu gọn đầu mối, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm biên chế.
Đây không phải lần đầu chúng ta có Nghị quyết về tinh giản biên chế. Trước đó Đảng ta cũng đã ban hành Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ. Theo đó, Nghị quyết này nêu rõ, đến năm 2021 sẽ tỉnh giản 10% biên chế công chức và giảm 10% viên chức khối đơn vị sự nghiệp công lập.
Hưởng ứng Nghị quyết 39, trên thực tế, đã có một số bộ, ngành, địa phương có những khởi động tích cực về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Chẳng hạn, Bộ Công thương thu gọn còn hơn 30 đầu mối trực thuộc Bộ. Bộ Nội vụ cũng đã sắp xếp tổ chức bộ máy, với cơ cấu bên trong chỉ giảm 1 đầu mối, nhưng giảm 4 đơn vị đào tạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã cam kết với Chính phủ là giảm từ 15% biên chế trở lên. Nổi bật nhất là Quảng Ninh, tỉnh này đã thí điểm có hiệu quả việc sáp nhập các cơ quan Đảng và chính quyền cấp huyện có cùng chức năng, nhiệm vụ. Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện, xã đã đạt được những hiệu quả nhất định. Sau Quảng Ninh một số tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc cũng đã có những động thái quyết liệt, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy.
Dẫu có những hiệu quả bước đầu như vậy nhưng nhìn một cách tổng thể thì việc tinh giản biên chế còn xa mới đạt được mục tiêu đề ra. Chẳng hạn một con số biết nói được Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã chỉ ra: “Tính đến 27/5/2017, biên chế đầu năm 2017 vẫn tiếp tục tăng 20.400 người so với cuối năm 2015.
Dù việc tinh giản biên chế liên tục được đặt ra, nên đã có những kết quả nhất định. Đơn cử từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016 đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế cả nước là 28.230 người. Nhưng theo đánh giá của Bộ Nội vụ, con số này rõ ràng là quá ít nếu so với chỉ tiêu phải giảm mỗi năm từ 1,5 - 2% biên chế để đến năm 2021 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, tương đương khoảng 35.000 – 40.000 người/năm.
Mới đây tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cảnh báo: “Đã 4 năm rồi mà chúng ta chỉ mới giảm có 4,6%. Bởi vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 thì theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, 3 năm còn lại mỗi năm phải giảm được 1,8%”. Để giảm biên chế theo mục tiêu này quả là chẳng dễ dàng.
Trong khi đó, giảm biên chế tại các đơn vị sự nghiệp tưởng đã gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng khi các bộ, ngành địa phương đã có những động thái tích cực khi quyết đưa các đơn vị sự nghiệp công lập ra “ở riêng”, không hưởng lương từ ngân sách nữa. Nhưng thực tế, biên chế ở khu vực này chưa giảm được là bao. Qua kiểm toán tại 13 bộ, 14 địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, việc giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập vượt tới hơn 63.200 người.
Về những nguyên nhân dẫn đến tinh giản biên chế còn chậm, theo Bộ Nội vụ đó là do trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức...Chính điều này dẫn tới những tồn tại cố hữu trong bộ máy nhà nước là người làm việc không tốt cũng không sao, không làm cũng không sao kéo theo sức ỳ, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi vậy, để đạt mục tiêu tinh giản biên chế được đề ra, bên cạnh việc các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt chủ trương, chỉ đạo về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan công quyền thì phải đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tăng cường kỷ luật kỷ cương phân cấp mạnh mẽ thực hiện nghiêm công vụ, kiên quyết xử lý thay thế công chức trì trệ…
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6-2018. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tích cực triển khai quyết liệt các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công vụ tại các bộ, ngành, địa phương. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu biên chế năm 2019, trong đó giảm 2% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Có như vậy mới đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Để nâng cao hiệu quả của thực hiện Nghị quyết về tinh giản biên chế, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đề ra có rất nhiều điểm liên quan tới công tác cán bộ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Chẳng hạn, với hệ thống tổ chức của Đảng, Nghị quyết nêu rõ: “Nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, điều kiện, quy trình hợp lý để lựa chọn cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp”, “Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định”.
Nếu thực hiện nghiêm túc những nội dung Nghị quyết nêu trên chắc chắn tinh giản biên chế sẽ không thể là con số âm như trước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tích cực triển khai quyết liệt các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công vụ tại các bộ, ngành, địa phương. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu biên chế năm 2019, trong đó giảm 2% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Có như vậy mới đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. |