Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch bền vững
Vừa qua, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6). Trong chuỗi sự kiện bên lề, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT;) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức hội nghị “Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững”.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học hàng đầu thế giới.
1. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học hàng đầu nhất thế giới, có khoảng 10% số loài trong khi diện tích đất chỉ chiếm chưa tới 1% trên thế giới. Nhu cầu quản lý một cách bền vững các khu vực được ưu tiên bảo tồn và tăng cường tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học là rất cần thiết cho tương lai của nền kinh tế. Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đa dạng sinh học có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, không chỉ ở phạm vi của quốc gia, mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài... đang mang lại các dịch vụ về văn hóa, điều tiết, cung cấp và hỗ trợ. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững.
Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật.
Đồng thời, du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, cung cấp những lợi ích kinh tế-xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR ), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)...
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,… cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận gồm 8 khu ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới, 1 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN.
Việt Nam hiện có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.
Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc xây dựng các chính sách, quy hoạch để quản lý và phát triển du lịch sinh thái bền vững; kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức trong việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học; các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế-xã hội; huy động sự tham gia cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam.
2. Trong chuỗi các sự kiện bên lề của Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6, đáng chú ý còn có chương trình chung tay bảo vệ đại dương do Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối các cơ quan Trung ương, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UNHABITAT)… tổ chức.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 cùng với gần 1.000 người gồm các lực lượng vũ trang, thanh niên, nhân dân và sinh viên các trường đại học thành phố Đà Nẵng cùng chung tay thu gom và dọn dẹp rác thải trên bãi biển Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng và trồng cây phi lao chắn sóng, tạo sức lan tỏa về hành động chung của cộng đồng quốc tế và trong nước; cùng nhau cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, qua đó nâng cao vai trò của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng như bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, còn có hội nghị bên lề Quản lý rác thải nhựa đại dương với thông điệp Xây dựng quan hệ đối tác vì đại dương không rác thải nhựa, hướng tới các mục tiêu sau: Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực biển Đông Á, kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu và khu vực chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Cam kết của các quốc gia trong khu vực Đông Á và các tổ chức quốc tế thực hiện một cơ chế hợp tác vùng nhằm giảm thiểu nguồn rác thải nhựa đại dương, và kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa đại dương trong nền kinh tế tuần hoàn. Kêu gọi hỗ trợ nguồn lực, công nghệ để theo dõi, giám sát, quản lý rác thải nhựa đại dương hiệu quả hơn; xây dựng, đề xuất một sáng kiến cấp khu vực do GEF tài trợ.