Băn khoăn môn Sử
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có đến 77,8% thí sinh bị điểm dưới trung bình môn Lịch sử trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, tương đương với trên 265.000 em.
Cụ thể, trong số trên 340.600 thí sinh dự thi môn này thì có trên 265.181 em bị điểm dưới 5 điểm. Số thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử (từ 1 điểm trở xuống) là 535 em. Một số địa phương có điểm thi môn Lịch sử rất thấp như Đà Nẵng gần 90% thí sinh điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình. Tại TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là gần 81%.
Trước đó, năm 2016, điểm thi môn Lịch sử cũng ở ngưỡng rất thấp với đa số thí sinh có điểm dưới 5 điểm, phổ điểm chủ yếu rơi vào ngưỡng từ 2 đến 5 điểm. Còn nhớ, kỳ thi Đại học năm 2011, cả nước rúng động khi có đến hàng nghìn bài thi Lịch sử bị điểm 0. Và đến năm 2014, nhiều trường không có lấy nổi một thí sinh đăng ký thi môn Sử tốt nghiệp.
Và năm nay - kỳ thi 2018, sau nhiều năm loay hoay với các cải cách, sáng kiến, thì kết quả thi tốt nghiệp PTTH một lần nữa lại chứng tỏ thất bại với môn Sử (77,8% thí sinh cả nước có điểm dưới trung bình môn Lịch sử).
Có thể thấy, tình trạng thí sinh không mặn mà với môn lịch sử, hầu như không cá biệt ở địa phương nào. Thậm chí có năm, có những điểm thi không có thí sinh dự thi môn sử. Nhiều giáo viên tham gia chấm thi đã từng hết sức bi quan khi điểm thi môn Lịch sử quá thấp, trong đó có nhiều điểm 0.
Khảo sát tâm lý với nhiều học sinh, nhiều em cho rằng thích tìm hiểu lịch sử, xem phim lịch sử nhưng học môn này thì thấy khô cứng và nhàm chán. Không ghét lịch sử nhưng lại không thể học tốt môn sử. Vì đâu?
Nói về thực trạng này, cố GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng thời gian gần đây, học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cơ bản là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức.“Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản toàn và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi” – cố GS Phan Huy Lê từng nhấn mạnh.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nếu chương trình học phổ thông vẫn nặng nề như hiện tại thì e rằng học sinh còn thờ ơ. Điểm sử kém không thể đổ lỗi hoàn toàn cho học trò mà có lẽ những người làm giáo dục cần kịp thời có chủ trương, biện pháp thay đổi hiện trạng môn học này một cách căn bản và toàn diện để Lịch sử không còn là môn học nhàm chán và những kỳ thi bớt dần những điểm 0.