Thi cử cần sự giám sát của xã hội

Dung Hòa 16/07/2018 09:51

Liên quan tới kết quả thi tốt nghiệp THPT cao bất thường của tỉnh Hà Giang, cuối tuần qua (ngày 14/7),  Bộ GD- ĐT đã có cuộc làm việc với Sở GD- ĐT Hà Giang đến 23h mới kết thúc. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD- ĐT cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình rà soát nên chưa thể cung cấp thêm thông tin.

Trước đó, ngay sau khi có nghi vấn về điểm thi rộ lên, lãnh đạo Bộ GD- ĐT cho hay, vụ điểm thi THPT quốc gia cao bất thường ở Hà Giang có thể phát hiện sai phạm nhờ việc rà soát quy trình và chấm thẩm định. Nếu xác định có dấu hiệu bất thường, Bộ sẽ yêu cầu chấm lại bài thi ở Hà Giang.

Suốt những ngày qua, ít nhất có hai luồng tâm lý diễn ra với các thí sinh. Thứ nhất là rất nhiều thí sinh, phụ huynh ở các địa phương khác, rồi các chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ sự bất bình với kết quả thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang. Thứ hai là ngay tại Hà Giang, nhiều thí sinh và phụ huynh cũng không chấp nhận kết quả thi này. Bởi có không ít học sinh từng học giỏi nhất trường, đạt nhiều giải thưởng, đi thi quốc tế, nhưng khi thi thì điểm số lại không bằng những bạn vốn xưa nay học lực trung bình, không có gì nổi trội.

Từ khi Bộ GD- ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi chung “2 trong1” lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, đi kèm với việc giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, thì yêu cầu về sự chính xác trong quá trình coi thi, chấm thi…cũng được đặt lên cao hơn. Đặc biệt là từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” được giao cho các địa phương chủ trì.

Giao cho địa phương chủ trì kỳ thi “2 trong 1”, nhiều băn khoăn lo lắng cũng được đặt ra từ khi ấy. Rằng có hay không sự cục bộ trong coi và chấm thi, có hay không bệnh thành tích trong giáo dục, khi địa phương nào cũng muốn có biểu điểm, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT thật đẹp…

Năm 2018, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD- ĐT đã khẳng định đây là một kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Bởi trước đó, Bộ đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc tăng cường vai trò giám sát của các giám thị đến từ trường ĐH và đội ngũ an ninh. Theo TS Lê Viết Khuyến, sự việc xảy ra tại Hà Giang với kết quả thi cao bất thường có nguyên nhân từ đâu, hiện đang chờ kết quả rà soát của địa phương và cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức thi. Đặc biệt, khi địa phương được giao quyền chủ động tổ chức, đồng thời cũng phải gắn với trách nhiệm với việc giải trình.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thi cử cần phải gắn với sự giám sát của xã hội. Ngoài những giải pháp bảo vệ sự nghiêm túc của kỳ thi mà ngành giáo dục chuẩn bị, vai trò giám sát của xã hội với kỳ thi cũng cần đặc biệt được coi trọng. Từ sự việc ở Hà Giang, nếu không rút ra bài học kinh nghiệm, sẽ còn tái diễn việc xử lý “chuyện đã rồi”…

Dung Hòa