Loay hoay với nạn ùn tắc
Ngày 29/6 vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thông xe cầu vượt trên đường Võ Chí Công (vành đai 2) qua vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2).
Cầu vượt gồm 4 làn xe, dài 316m với kinh phí 203 tỷ đồng được triển khai thi công vào tháng 11-2016, với hy vọng giải quyết tình trạng kẹt xe quanh khu vực cảng Cát Lái. Sau khi thông xe, trên cầu vượt tổ chức lưu thông 2 chiều các loại xe ô tô trên đường Võ Chí Công. Bên dưới hầm chui tổ chức lưu thông 1 chiều các loại xe ô tô từ đường Võ Chí Công rẽ trái vào đường Nguyễn Thị Định để vào cảng Cát Lái và về hướng phà Cát Lái. Tuy nhiên, sau khi thông xe 1 ngày, cầu vượt này bất ngờ xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, có chỗ thì trồi nhựa rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Đó chỉ là 1 trong nhiều dẫn chứng cho thấy giao thông tại TP HCM còn tồn tại nhiều vấn đề.
Triển khai chương trình giảm ùn tắc giao thông, TP HCM đã đề ra 7 nhóm giải pháp, với 172 dự án cần triển khai, nhu cầu vốn đầu tư lên đến gần 324.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn “khủng” là vậy, nhưng theo thống kê của Sở GTVT TP, trong giai đoạn 2016-2018, thành phố chỉ chi được hơn 16.000 tỷ đồng, nguồn vốn của Trung ương là 18.158 tỷ đồng; thành phố kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) hơn 1.600 tỷ đồng… Như vậy từ nay đến năm 2020, TP sẽ cần hơn 284.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án ngành GTVT.
Đánh giá về những biện pháp giảm nạn kẹt xe chủ yếu dựa vào công trình và dự án ở TP HCM, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng có giải ngân hết hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các công trình giao thông trọng điểm thì thành phố vẫn cứ kẹt xe. Đã đến lúc chính quyền TP phải tính đến việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh ở các hướng, để giảm tải cho khu vực trung tâm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Xuân Cường- giám đốc Sở GTVT cho rằng TP nên đầu tư phát triển đô thị vệ tinh, tiểu vệ tinh theo tuyến: Dọc theo các tuyến đường bộ (các tuyến trục hướng tâm, vành đai…) cần phát triển các khu dân cư, khu đô thị tập trung, thực hiện hệ thống đường gom, không hình thành các khu dân cư tự kết nối trực tiếp ra tuyến đường chính. Dọc theo các tuyến đường sắt đô thị, định hướng phát triển các khu đô thị mới lấy các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị làm trung tâm thương mại và xung quanh là khu dân cư…, đồng thời kéo dài các tuyến đường sắt đô thị để giãn dân, do thời gian di chuyển từ khoảng cách bán kính 20-30km vào trung tâm thành phố chỉ khoảng 20-30 phút.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là “dự kiến”, còn thì hiện tại TPHCM vẫn phải gồng mình trước vấn nạn kẹt xe.