Đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, sản phẩm “made in Vietnam” có những tiến bộ đáng mừng. Không ít sản phẩm thâm nhập được thị trường khó tính nhờ có sự cải tiến về chất lượng, mẫu mã.
Hội nhập vào thị trường thế giới đòi hỏi phải chuẩn về các tiêu chuẩn của quốc tế. Khi đạt tiêu chuẩn quốc tế thì coi như cầm chắc trong tay giấy “thông hành” đi vào siêu thị ngoại, vào thị trường nước ngoài. Mặc dù đánh giá khá cao hàng Việt hiện nay song đại diện Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng thừa nhận, so với các nước Asean, môi trường mà DN Việt phải cạnh tranh hàng ngày về sản phẩm không thể xem nhẹ.
Theo Bộ Công thương, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu khắp nơi trên thế giới song phổ biến là phải thông qua trung gian, riêng tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối ngoại chiếm tỷ lệ rất thấp cả về số lượng và giá trị kim ngạch. Để hỗ trợ DN xuất khẩu, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giữa DN thành phố và các tỉnh thành phía Nam với các hệ thống phân phối sỉ, lẻ trên địa bàn.
Trong năm 2018, ITPC hỗ trợ cho hơn 30 DN Việt Nam đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam. Dự kiến cuối tháng 7/2018, ITPC sẽ phối hợp với Big C tổ chức kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và vào tháng 9 sẽ cùng phối hợp tổ chức Tuần lễ trưng bày triển lãm sản phẩm tương tự tại Aeon.
Trước yêu cầu phát triển hiện nay, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai trong thời gian gần đây.
Theo tinh thần của Đề án, Bộ Công thương đã và đang đẩy mạnh kết nối DN Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài, trong đó phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài, gồm: Central Group, AEON, Auchan... triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài. Về phía chuỗi phân phối, việc tiếp xúc trực tiếp với các DN Việt Nam giúp phát triển đa dạng thêm nguồn hàng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần quản lý chất lượng, nguồn gốc. Trường hợp đạt kết quả trên, cả DN và nhà bán lẻ đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.