Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Hà Nội hiện có trên 92.000 đồng bào dân tộc sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.
Tiên phong làm kinh tế
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất thành phố với tỉnh Hà Tây; sáp nhập huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đến nay, Hà Nội đã có 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với tổng số dân trên 92.000 người.
Trong đó, đồng bào dân tộc sống tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đến nay, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội được cải thiện rõ rệt.
Là một gia đình dân tộc thuần nông ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, năm 2011, vợ chồng bà Bùi Thị Ngọc tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và lớp học nghề chăn nuôi thú y do Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức.
Khi chưa có kinh nghiệm và vốn, bà Ngọc nuôi 4 con lợn rừng gây nái và 100 con gà ta thả đồi, kết hợp trồng 4 ha keo và các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh... và nuôi cá sạch. Đến năm 2016, gia đình bà Ngọc xây thêm 2 trại gà thả đồi với diện tích 400 m2, 12 gian chuồng lợn rừng, rào vườn đồi, làm đường bê tông đảm bảo tiện lợi cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng.
Hiện tại, gia đình bà Ngọc có 40 con lợn rừng, 2 trại gà ta thả đồi mỗi lứa trên 3.000 con, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn, duy trì diện tích trồng rừng của gia đình. Mỗi năm, thu nhập của gia đình đạt trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thời vụ.
Cũng như bà Ngọc, nhiều người dân tộc là tấm gương tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đi đầu các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi trọc để tăng diện tích cây trồng, hiến đất làm đường giao thông... Nhiều gia đình người dân tộc đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những giúp gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác thoát nghèo thông qua hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật…
Không chỉ làm kinh tế giỏi, những người dân tộc tiêu biểu còn giữ vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Xây dựng đời sống mới
Cùng với đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên là tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân hàng năm trên 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm; 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa; trên 60% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% số xã đã có điểm bưu điện…. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm trên 3%/năm. Hiện, thành phố Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc miền được đảm bảo.
Theo ông Bùi Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội, sau 10 năm hợp nhất, Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã và 584 đơn vị hành chính cấp xã; có 37 dân tộc với khoảng 8% dân số là người dân tộc ít người.
Những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó có Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân Thủ đô đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới.
“Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, trong thời gian tới, UB MTTQ thành phố tiếp tục xây dựng và củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong điều kiện mới, triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp, các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…”- ông Tuấn nói.