Mạnh tay với nợ thuế
Nhiều giải pháp rắn đang được đưa ra để đốc thúc đòi nợ thuế các doanh nghiệp chây ì. Cơ quan quản lý thuế đã đề xuất nhiều hình thức nặng hơn như công khai danh sách đến việc cưỡng chế tài khoản.
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý nợ thuế được tốt hơn.
Công khai nợ thuế
Thời gian gần đây cục thuế các thành phố lớn đã định kỳ công khai danh sách các đơn vị nợ thuế. Việc quản lý thuế đang được cơ quan quản lý siết chặt hơn. Tại thành phố Hà Nội, mới đây Cục thuế đã công khai danh sách 331 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất tháng 7/2018 với số nợ 2.485 tỷ đồng. Trong đó có 12 đơn vị nợ thuế, phí với số nợ hơn 546 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 12 đơn vị này, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội đang nợ khoảng 111 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn điện tử công nghiệp Việt Nam nợ 80 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng nợ hơn 60 tỷ đồng…
Không chỉ dừng lại công khai, theo một báo cáo mới nhất của Cục thuế Hà Nội, cơ quan này cũng đã ban hành 9.719 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với 7.700 DN nợ thuế với số tiền nợ 2.589 tỷ đồng. Về công tác đôn đốc, kiểm soát việc kê khai của người nộp thuế cũng được tăng cường. Cục thuế Hà Nội cũng đã ban hành 25.535 quyết định xử lý đối với các DN vi phạm hành chính thuế, với số tiền phạt là 78 tỷ đồng.
Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, Cục thuế vừa công khai danh sách DN nợ thuế chây ì đợt 2 của năm 2018 với 1.258 DN. Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 31-5-2018 trên 1.550 tỉ đồng. Công ty CP may Minh Hoàng nợ 70,7 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư và xây dựng Lâm Viên nợ 65 tỉ đồng và Công ty TNHH sản xuất giày Phú Sơn 37 tỉ đồng...
Do kinh tế chưa hết khó khăn, nhiều DN nợ thuế còn do những nguyên nhân khách quan như DN thực hiện đầu tư, xây dựng những công trình có sử dụng nguồn vốn NSNN, nhưng nguồn vốn này chưa được giải ngân nên DN chậm nộp thuế. Song bên cạnh đó cũng còn tồn tại một bộ phận DN luôn có tâm lý chây ì hay tìm mọi cách để lách thuế, trốn thuế... Vì vậy, việc công khai và cưỡng chế thuế là điều cần thiết.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền thuế nợ của 63 cục thuế tính đến thời điểm 31/1/2018 là hơn 75.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là gần 28.000 tỷ đồng; khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là hơn 16.000 tỷ đồng; nợ không có khả năng thu (của người nộp thuế chết, mất tích…) là hơn 31.000 tỷ đồng.
Quyết giảm nợ đọng thuế
Một trong những khó khăn của công tác thu nợ là chế tài xử phạt với đơn vị cố tình vi phạm còn chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe, Luật Quản lý thuế không quy định chế tài xử lý hình sự đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp. Quy định về chế tài cưỡng chế cũng có nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, sau khi cưỡng chế tài khoản 30 ngày nếu người nợ thuế không nộp nợ thuế thì tiếp tục biện pháp cưỡng chế bằng hợp đồng với thời hiệu 12 tháng. Sau đó mới đến các bước tiếp theo là cưỡng chế bằng biện pháp kê khai tài khoản, bán đấu giá tài khoản kê biên; thu tiền tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ... Các bước cưỡng chế tiếp theo khá khó khăn và phức tạp, do sự phối hợp các ban ngành khác như kho bạc, ngân hàng, công an, tòa án… vẫn còn nhiều bất cập.
Mục tiêu của Tổng cục Thuế trong năm 2018 là tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế... phấn đấu số tiền thuế nợ thuế giảm tuyệt đối so với năm 2017.
Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế. Đồng thời yêu cầu các cục thuế phân bổ, giao tới từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng nợ, các đồng chí chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào NSNN và không để phát sinh nợ mới.
Bên cạnh đó, năm 2018 Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Thực hiện điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ, quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng DN.