Giật mình với điểm sàn
Hiện các trường đại học, cao đẳng đã ra thông báo điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển năm học 2018-2019. Điều đáng nói, với quy định bỏ điểm sàn (trừ khối ngành sư phạm), nhiều trường đại học đã thoải mái đưa ra các mức điểm sàn rất thấp chỉ để tuyển sinh sao cho đủ chỉ tiêu.
Thậm chí, nhiều trường còn nhận hồ sơ của thí sinh có mức điểm chỉ từ 11-12 điểm (tổng 3 môn thi THPT Quốc gia) khiến các thí sinh chỉ cần trung bình chưa tới 4 điểm mỗi môn thi là cũng có thể ung dung bước vào cánh cổng trường đại học. Ngay cả các trường đào tạo một số ngành nghề đặc thù, cần trình độ cao như Y, Dược thì điểm xét tuyển cũng chỉ từ 15 điểm khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, bất ngờ.
Niềm vui bước chân vào giảng đường đại học.
Nhiều các trường đại học đã công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển, hầu hết các trường đều bắt đầu xét tuyển ở mức 14, 15 điểm nhưng cá biệt, nhiều trường chỉ có mức xét tuyển là 11, 12 điểm cho tổng 3 môn thi. Cụ thể, như thông báo của Trường Đại học Xây dựng miền Trung (thuộc Bộ Xây dựng) thì mức điểm xét tuyển năm nay của trường với các ngành đại học chính quy như xây dựng, kiến trúc, công trình giao thông đều chỉ là 11 điểm.
Với mức điểm này, thí sinh chỉ cần trung bình hơn 3 điểm một môn thi, cộng với điểm ưu tiên khu vực là có cơ hội đậu đại học, với nhiều ngành nghề khá “hot” như xây dựng, kiến trúc hay môi trường đô thị hiện nay. Có thể coi đây là mức điểm cực thấp bởi thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua có thể có 2 môn thi được điểm 2 cùng một môn thi điểm khá (7 điểm) là có thể đủ điểm xét tuyển, chưa tính điểm ưu tiên nếu có.
Tuy nhiên, Trường Đại học Xây dựng miền Trung không phải là đơn vị duy nhất có điểm xét tuyển cực thấp như vậy. Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng vừa qua cũng mới công bố điểm xét tuyển, nhận hồ sơ với mức từ 12 điểm dành cho 29/31 ngành đào tạo đại học chính quy của đơn vị này. Đáng chú ý, trong số này có nhiều ngành nghề liên quan đến Y, Dược như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.
Khá hơn một chút nhưng cũng ở mức điểm rất thấp, điểm xét tuyển ngành Dược học hệ chính quy của Trường Đại học Công nghệ miền Đông năm nay cũng chỉ ở mức 15,5 điểm. Đối với các ngành khác của trường này, mức điểm đều là 15. Tương tự điểm xét tuyển vào ngành Dược học của Trường Đại học Bình Dương cũng chỉ là 15,5 điểm. Tại Trường Đại học Cần Thơ, trường đại học lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mức điểm xét tuyển vào ngành “hót” như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, y tế cộng đồng cũng chỉ ở mức 17 điểm.
Không chỉ có các trường thuộc tốp sau có điểm xét tuyển thấp mà ngay cả các trường tốp đầu, trường danh tiếng năm nay cũng có mức xét tuyển thấp hơn so với mọi năm. Ngoài việc được tự chủ đề ra mức điểm xét tuyển, áp lực cạnh tranh và thu hút thí sinh sẽ khiến các trường buộc phải đưa ra mức điểm xét tuyển thấp.
Hầu hết trong số đó, như Đại học Công nghệ thực phẩm TPHCM (mức điểm 15 với hầu hết các ngành), Đại học Giao thông vận tải TP HCM, Đại học Công nghệ thông tin (mức điểm từ 14-16), Đại học Mở TP HCM (mức 15 điểm), Đại học Kinh tế TP HCM (mức 16)… cho thấy, các trường có thể nhận thí sinh có điểm thi khá thấp, nếu tuyển sinh khó khăn.
Một chuyên gia giáo dục nhận định, hiện nay mới chỉ là thời gian đầu của kỳ tuyển sinh, mức điểm sàn nhận hồ sơ cũng chưa phải là điểm chuẩn để đậu vào các ngành nghề trên. Thời gian tới, có thể các trường sẽ tăng điểm chuẩn nhận hồ sơ lên cao hơn, tùy theo chất lượng thí sinh nộp hồ sơ. Tuy vậy, nguy cơ sẽ xuất hiện tình trạng vì không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, các trường này sẽ tiếp tục hạ điểm xét tuyển để thu hút thêm thí sinh.
Điều này nếu xảy ra dù không vi phạm quy chế của Bộ GD&ĐT nhưng nó sẽ khiến chất lượng đầu vào của các trường này (cũng là thương hiệu của trường) xuống dốc theo. Các trường hạ điểm xét tuyển chỉ có thể thu hút thí sinh được một vài lần, sau đó sẽ khó cạnh tranh với các đơn vị khác vì thương hiệu bị giảm giá trị.
Cũng theo chuyên gia này, quy chế tuyển sinh hiện nay đang khá lỏng lẻo và khó kiểm soát, nhất là chất lượng đầu vào của các trường đại học. Ngoài việc tự ý đưa ra mức điểm xét tuyển, các trường đại học còn có thể tuyền sinh theo hình thức xét học bạ và thí sinh ưu tiên. Hiện nay quy định để xét học bạ (hầu hết đều ở mức trung bình 6 điểm/môn lớp 12) của 3 môn học nào đó với các thí sinh là hết sức lỏng lẻo.
Bởi thực tế gần đây, khi điểm học bạ được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển đại học, nhiều học sinh đã cố gắng, bằng cách này hay cách khác làm “đẹp” điểm học bạ của mình. Thậm chí, tình trạng điểm học bạ cao gấp nhiều lần điểm thi THPT Quốc gia ở cùng một môn học cũng đang ở mức đáng báo động vì sự sai khác ngày càng nhiều, lộ liễu.
Ai cũng biết, các trường đại học là nguồn cung cấp lao động chất lượng cao cho xã hội nên nếu đầu vào quá thấp, nhất là các ngành nghề đặc thù cần năng lực cao thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Như vài năm trước, khi các trường đại học đào tạo ngành sư phạm tuyển sinh với số điểm quá thấp, Bộ GD&ĐT đã phải dành riêng mức điểm sàn cho ngành này bởi sư phạm là ngành nghề đặc thù, cần nhân lực chất lượng cao để đào tạo đội ngũ kế cận.
Vì thế, với các ngành như Y, Dược hiện nay cũng nên khống chế mức điểm sàn tuyển sinh vì đây cũng là ngành nghề đặc thù, cần nguồn nhân lực chất lượng cao vì đó là liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người sau khi ra trường làm việc.