Đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần giám sát việc thực hiện những chính sách có liên quan đến quyền lợi thiết thân của phụ nữ từ đó khuyến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.
Chiều ngày 17/7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội nghị chuyên đề công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25 - NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tham dự; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, 5 năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Thông qua mô hình “Dân vận khéo” khác nhau, khuyến khích “mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phù hợp”, hướng tới vun đắp các phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ đã thực hiện nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ kiến thức, phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Trong 5 năm (2012 - 2017), tiết kiệm được 8,2 nghìn tỷ đồng, phát triển kinh tế tập thể bước đầu thành lập được trên 6.500 mô hình kinh tế hợp tác giảm nghèo bền vững, giúp phụ nữ cải thiện kinh tế gia đình, xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái, hình thành nét văn hóa trong cộng đồng dân cư.
“Thông qua Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với sự lựa chọn các tiêu chí ưu tiên thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, cơ sở, nhất là trong công tác vận động phụ nữ bảo vệ môi trường không chỉ phát huy được vai trò làm chủ của phụ nữ mà còn có tác động tích cực tới nhận thức của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mô hình “con đường hoa” từ bàn tay của chị em phụ nữ đã được nối dài, nhân rộng ở khắp các địa phương đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn ở nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc là minh chứng sinh động nhất cho sự đóng góp của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ngày nay”, bà Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, kinh tế trong nước ngày càng ổn định và phát triển, mở ra nhiều cơ hội, việc làm mới cho người dân, trong đó có phụ nữ.
Bên cạnh đó, công tác phụ nữ, nhất là nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc, phụ nữ vùng khó khăn, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ… ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm với các chính sách, đề án cụ thể, thiết thực.
Bà Trương Thị Mai lưu ý, trong thời gian tới khi kinh tế - xã hội thay đổi, phụ nữ cũng cần đổi mới bản thân phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế từ nay đến năm 2020 thì lao động tự do, lao động trí thức, lao động nông thôn, phụ nữ vẫn chiếm phần lớn nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ.
Chia sẻ những thách thức của thời đại mới, theo bà Trương Thị Mai, phụ nữ hiện nay có sự đang phát triển nhanh chóng. Phụ nữ ở các thành phố lớn có điều kiện phát triển nhanh hơn nhưng phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo lại gặp phải những khó khăn nhất định, không được hưởng đẩy đủ thành quả của xã hội.
Do đó, Hội LHPN Việt Nam cần giám sát việc thực hiện những chính sách có liên quan đến quyền lợi thiết thân của phụ nữ từ đó khuyến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.