Mặt trận và hiệu ứng tam nông
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương khoá X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) và cụ thể hoá bằng Chỉ thị Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 và lồng ghép thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Mùa vàng trên cánh đồng của Đồng Tháp.
Có thể nói Mặt trận các cấp đã triển khai một cách sinh động với nhiều hình thức, thành lập nhiều mô hình thích hợp với từng địa phương, từ đó đã kêu gọi được các nguồn lực trong nhân dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thông qua các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các khu công nghiệp; cụm, tuyến dân cư; đê bao vùng kết hợp giao thông, thuỷ lợi, các chương trình Quốc gia giải quyết việc làm; giảm nghèo bền vững; chính sách an sinh xã hội, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương bền vững.
So với năm 2008 diện tích sản xuất nông nghiệp tăng, sản lượng lúa tăng trên 3,6 triệu tấn, diện tích vườn cây ăn trái tăng 74%, nuôi trồng thuỷ sản tăng hơn 79%, tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 trên 12 % thì đến cuối năm 2017 giảm còn 5,11%, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 87,12% đạt chuẩn gia đình văn hoá (tăng 12% so với năm 2008); có 643/701 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa; 558/586 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới và 105/115 khóm, ấp đạt chuẩn văn minh đô thị.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến cuối tháng 10/2017, thành phố Sa Đéc có 3/3 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhiều chỉ tiêu xây dựng NTM của thành phố hoàn thành ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn đạt 99,8%; 100% trường trên địa bàn 3 xã đều đạt chuẩn quốc gia; trên 80% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo chỉ ở mức 4,5%.
Chia sẻ về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết, TP Sa Đéc đã huy động toàn hệ thống chính trị, tập trung nhiều giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó phải kể đến thành tích huy động hơn 198 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện ở các vùng nông thôn. Tăng cường triển khai các mô hình làm ăn có hiệu quả để nông dân ứng dụng, trong đó mô hình trồng hoa kiểng đạt doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/ha (đây là thế mạnh của TP Sa Đéc), sản xuất bột kết hợp nuôi heo đạt doanh thu bình quân gần 400 triệu đồng/hộ…
Trong công tác thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển “tam nông” gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vai trò của Mặt trận các cấp trong tỉnh ngày càng thể hiện rõ. Mặt trận đã phối hợp với các ngành, tổ chức thành viên vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh được trên 600 tỷ đồng để xây cầu và đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra, Mặt trận các cấp trong tỉnh còn chủ động sáng tạo và phối hợp xây dựng một số mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực: Mô hình “Khu dân cư tự quản môi trường”; “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư”; “Bể chứa nước di động”; “Ngày Chủ nhật sạch”; “Gia đình an toàn – Hạnh phúc – Đạo hạnh” của Họ đạo Cao Đài Tiên Thiên hay mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” được Mặt trận các cấp nhân rộng ra toàn tỉnh với 12.676 tổ... Đây là những mô hình hoạt động hiệu quả, đã góp phần cho 37 xã và 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Sa Đéc) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Qua thực hiện 10 năm Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển “tam nông” gắn với thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã thể hiện được vai trò cũng như trách nhiệm của Mặt trận luôn đồng hành với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, từng bước nâng chất đời sống nhân dân...