Hà Tĩnh chủ động ứng phó bão đầu mùa
Theo dự báo, chiều tối nay (18/7), Hà Tĩnh là một trong những địa phương bão số 3 đổ bộ. Vì thế, ngay từ ngày 17-18/7, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bão đầu mùa.
Hệ thống tàu thuyền ở cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã được chằng chéo, neo đậu an toàn.
Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết, đến trưa ngày 18/7, tại cảng Cửa Sót, toàn bộ 850 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn, neo đậu an toàn. Đối với các tàu thuyền vùng khơi của ngư dân Hà Tĩnh, đơn vị đã liên lạc và hướng dẫn ngư dân vào vị trí tránh trú gần nhất. 100% tàu thuyền của Hà Tĩnh đã được chằng chéo, đảm bảo an toàn.
Để giúp người dân ứng phó bão số 3, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên xuống các khu dân cư để giúp dân phòng chống bão.
Theo ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngoài việc huy động hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên tỏa về các địa phương tham gia hỗ trợ người dân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ ứng trực 24/24, đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên.
Nhận được lệnh, đoàn viên, thanh niên tức tốc về các khu dân cư giúp dân chằng chống lại nhà cửa, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các công trình; sẵn sàng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Đoàn viên, thanh niên Hà Tĩnh hỗ trợ người dân chằng chéo nhà cửa, phòng chống bão số 3.
Ông Đồng cho hay: “Tại các khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông có khả năng mực nước dâng cao, đoàn viên thanh niên được bố trí hỗ trợ và bảo vệ các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn, có phương án di dời nếu thấy cần thiết. Đơn vị cũng cử các chốt thanh niên ứng trực tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua suối, chỗ ngập sâu, trũng, làm biển báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân đi lại an toàn; bám sát tình hình diễn biến của bão, lũ để sẵn sàng ứng cứu khi tình huống khẩn cấp xảy ra.
Tại các địa phương trên toàn tỉnh, công tác phòng chống bão được thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc. Tuy nhiên, mưa lũ những ngày qua đã khiến nhiều ha lua, hoa màu của người dân bị ngập sâu, hàng trăm ha bị hư hại.
Tại huyện Hương Khê, lượng mưa trong những ngày qua đã khiến 400 ha lúa, 150 ha ngô và 300 ha đậu bị ngập. Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN Hương Khê, với tình hình hiện nay, lo ngại nhất vẫn là diện tích đậu. Nếu trời tiếp tục mưa, nguy cơ toàn bộ diện tích đậu bị ngập sẽ hư hại.
Đối với huyện Hương Sơn, do mưa lớn, nước lũ tràn về và Nhà máy thủy điện Hương Sơn xả lũ nên đến thời điểm này huyện Hương Sơn có 182 ha ngô, 415 ha đậu, 615 ha lúa của vụ hè thu bị ngập úng hoặc đổ gãy. Ngoài một số tuyến đường giao thông nông thôn ở vùng thấp trũng bị ngập thì mưa lũ còn làm sạt lở mái taluy dương trên Quốc lộ 8A tại Km 80+300 (gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo) với 40 m3 đất và làm đứt 30 m đường dẫn đầu cầu Trốc Vạc.
Đoàn viên, thanh niên Hà Tĩnh giúp dân di dời đồ đạc phòng chống bão só 3.
Tình hình mưa lũ ở Hương Sơn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ mưa lũ lớn vì ảnh hưởng bão số 3. Để chủ động ứng phó với tình hình, UBND huyện Hương Sơn đã ban hành 3 công điện, đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện trực tiếp xuống các địa phương đôn đốc, chỉ đạo. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ngành, các xã, thị trấn kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu các công trình hồ chứa mất an toàn, các điểm xung yếu trên tuyến đê Tân Long, rà soát các hộ có khả năng phải sơ tán, có phương án ứng phó khi Nhà máy Thủy điện Hương Sơn xã lũ tại vùng hạ du...
Huyện Đức Thọ đã bố trí lực lượng xung kích gồm 1.200 người (410 người tuần tra canh gác đê La Giang, đê Rú Trí); chuẩn bị 2.400 cây tre, 106.000 bao cát, 3.900 kg rơm, 2.000 m2 phên liếp, 30 thuyền máy, 5 xuồng cao tốc, 45 xe ô tô các loại và lương thực thực phẩm đủ sử dụng trong 15 ngày.
Còn đối với huyện Cẩm Xuyên, đến ngày 18/7, đã có trên 100 ha lúa vùng Cẩm Sơn, Cẩm Lộc, Cẩm Hà bị ngập úng; 100 % tàu bè (1.114 tàu) đã về nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, bà con NTTS trên địa bàn huyện cũng đã tiến hành thu hoạch được 10 ha với trên 50 tấn tôm chạy lũ.
Huyện Nghi Xuân đã kêu gọi 100% tàu thuyền (850 chiếc) hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn; những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất… cần kiểm tra rà soát, sẵn sang phương tiện đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập hạ du hồ chứa, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn có thể xảy ra.
Chuyển lên xe và đưa đến nơi cao ráo.
Cũng trong sáng nay, lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã có chuyến thị sát tại đê Hội Thống (đoạn qua xã Xuân Đan, Xuân Trường). Theo quan sát, nhiều đoạn đê biển bị sạt lở do mưa bão năm 2017 gây ra nhưng chưa được sửa chữa khiến gia tăng nguy cơ sạt lở nếu sóng biển dâng cao.
Tại huyện Can Lộc, mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước tại các hồ chứa dâng cao từ 60- 80%, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hơn 1.554 ha lúa hè thu bị ngập. Một số xã có diện tích bị ngập nhiều như: Tùng Lộc 160 ha, Vượng Lộc 145 ha, Kim Lộc 300 ha, Song Lộc 200 ha.
Cũng trong sáng nay, tại kỳ họp thứ 7, HĐNT tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các cấp, các ngành, người dân nghiêm túc thực hiện các công điện của UBND tỉnh về việc phòng chống bão, lũ. Bí thư Hà Tĩnh lưu ý người dân phải chủ động phòng tránh, dứt khoát phải đưa thuyền bè vào nơi trú ẩn, di dời đến nơi an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hồ đập, hệ thống cống, đảm bảo an toàn vùng hạ du; tập trung cao cho việc sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường.
Tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có 2 người chết đuối khi đánh cá. Theo đó, nạn nhân là ông Phan Đình Tường (52 tuổi, trú tại xóm Minh Thủy, xã Sơn Thủy) và ông Nguyễn Thành (56 tuổi, trú thôn Bình Hòa, xã Sơn Hòa. Ông Phan Đình Tường bị đuối nước vào lúc 17h chiều 17/7, khi đang ra đồng đánh cá. Tương tự, ông Nguyễn Thành cũng bị nước lũ cuốn trong lúc đánh cá, đến 22h tối ngày 17/7 mới tìm được thi thể. |
Hạnh Nguyên