‘Đòn bẩy’ thoát nghèo của đồng bào Khmer

L.H. 18/07/2018 16:38

Là một tỉnh nghèo thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 31% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai nhiều dự án, chính sách của nhà nước nhằm giúp đồng bào Khmer có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

‘Đòn bẩy’ thoát nghèo của đồng bào Khmer

Nhờ nguồn vốn vay của NHCS nhiều hộ dân nghèo Trà Vinh đã thoát nghèo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm, trên địa bàn tỉnh có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với dân số 1,1 triệu người với 274.425 hộ, trong đó hộ dân tộc Khmer 88.289 hộ, chiếm tỷ lệ trên 32%. Để giúp người dân thoát nghèo tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhờ đó công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH được xem là kênh giảm nghèo khá hiệu quả.

“Tính đến 30/6/2018, tổng nguồn vốn đạt 2.203 tỷ đồng, tăng 116 tỷ đồng (tăng 5,57%) so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 1.624 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng. Nguồn vốn địa phương chuyển sang là 106 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với đầu năm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, bà con dân tộc Khmer đã có điều kiện phát triển nhiều mô hình sản xuất để thoát nghèo. Điển hình như xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang từ nguồn vốn của Chính phủ thông qua NHCSXH, nhiều hộ đã thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống” - Chủ tịch Đồng Văn Lâm cho biết.

Tại buổi khảo sát công tác thực hiện tín dụng chính sách xã hội dành cho đồng bào DTTS tại xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) do Ủy ban Dân tộc và NHCSXH tổ chức mới đây Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến ngày 30/6/2018, xã Thuận Hoà đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với tổng dư nợ 25 tỷ đồng, thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội thành lập 25 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.090 thành viên.

Trong đó có 825 hộ gia đình DTTS đang có dư nợ 12.532 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 76%/số hộ đang vay vốn. Nợ quá hạn là 27 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%, nợ khoanh là 75 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,3%. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 958 triệu đồng.

“Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để SXKD, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội” - ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên ông Hùng cho biết, hiện nay nguồn vốn vay còn hạn chế trong khi nhu cầu vay để sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo là rất lớn. Do vậy Ngân hàng chính sách cần bổ sung thêm nguồn vốn bên cạnh đó cần có chương trình hỗ trợ chính sách dạy nghề gắn với hỗ trợ sản xuất kinh doanh tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Là người được hưởng lợi trực tiếp từ nguốn vốn vay ông Thạch Hoài Phong ở Ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang khẳng định, nguồn vốn của NHCSXH rất có ý nghĩa với những hộ vùng đồng bào DTTS nói riêng và các hộ vay ở những vùng nông thôn nói chung. Bản thân gia đình ông Phong được vay vốn NHCSXH và vươn lên thoát nghèo. “Năm 2009 gia đình tôi lúc đó là hộ nghèo và được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 4 triệu đồng NHCSXH để trồng màu trên diện tích 2.000m2. Đến nay, qua nhiều lần vay vốn NHCSXH gia đình tôi đã có nhà khang trang để ở và có hơn 5.000m2 đất để trồng màu. Cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”, ông Phong xúc động nói.

Chia sẻ với những thành quả của xã Thuận Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, , thực hiện các chính sách đối với hộ đồng bào DTTS là vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có nguồn vốn của NHCSXH đã giúp nhân dân các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, vươn lên trong cuộc sống.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, năm 2017, tỉnh Trà Vinh đã giảm được gần 7.300 hộ nghèo (tương đương 2,75%) so với năm 2016; trong đó, có hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn hơn 23 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,41% tổng số hộ dân trong tỉnh.

L.H.