Sáp nhập tinh gọn bộ máy
Sự kiện tỉnh Lào Cai tiên phong sáp nhập Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng, và nay Bạc Liêu cũng vừa đề nghị Bộ Nội vụ sáp nhập một số sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đã tạo ra những động lực mới trong công cuộc tinh giản biên chế, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ để nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 7, khóa 15, nhiệm kỳ 2016-2021, HÐND tỉnh Lào Cai đã thông qua nghị quyết hợp nhất hai Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng.
Quyết định này khiến Lào Cai trở thành tỉnh đi tiên phong trong việc hợp nhất, sáp nhập sở có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. Sau khi hợp nhất, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai sẽ có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc.
Ðồng thời có 10 phòng chuyên môn và chỉ có 1 tổ chức, 6 đơn vị sự nghiệp thuộc sở. Như vậy có thể thấy, việc hợp nhất này đã làm tinh gọn bộ máy hơn nhiều so với việc tồn tại cả hai sở trước đây.
Sau Lào Cai, hiện Bạc Liêu cũng đã có chủ trương hợp nhất một số sở ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau. Theo đó Bạc Liêu đề nghị hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng, đồng thời hợp nhất Sở Khoa học Công nghệ với Sở Giáo dục Đào tạo.
Ðề xuất sáp nhập 4 sở này của tỉnh Bạc Liêu được Bộ Nội vụ “cơ bản ủng hộ”, bởi sáp nhập các sở có chức năng nhiệm vụ tương đồng sẽ góp phần tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.
Qua đó sẽ giảm bớt đầu mối các cơ quan chuyên môn giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh đó, số lượng cấp phó cũng giảm theo, chẳng hạn trước đó hai sở có 6 cấp phó, khi sáp nhập chỉ còn lại 3 phó.
Góp thêm tiếng nói vào công cuộc “tái cơ cấu” công tác cán bộ của các địa phương, một số bộ, ngành cũng đã có các phương án để tự đổi mới công tác cán bộ. Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 50% tổng số các chi cục thuế hiện có trong toàn ngành.
Cụ thể, năm 2018 ngành Thuế thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thuộc 63 cục thuế thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục). Trong đó, thực hiện ghép 192 chi cục thuế thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục), hoàn thành trước 1/7/2018.
Thực hiện ghép 135 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 64 chi cục thuế khu vực (giảm 71 chi cục), hoàn thành trước 1-9 năm nay. Năm 2019 thực hiện sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 25 chi cục thuế khu vực, giảm 28 chi cục. Năm 2020 thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 78 chi cục thuế khu vực, giảm 90 chi cục.
Hành động tiên phong, đi đầu trong công cuộc sáp nhập, thu gọn đầu mối một số cơ quan của các bộ, ngành kể trên quả đáng biểu dương. Bởi, ai cũng biết, để chỉ giảm 1 biên chế tại một cơ quan thôi cũng không đơn giản, huống hồ là sáp nhập cả những cơ quan với số lượng người không nhỏ với biết bao chuyện phải lo. Nhưng nói gì thì nói, sáp nhập các sở ngành là chuyện đại sự, cần phải làm thận trọng từng bước, không phải thích thì nhập và khó lại tách.
Góp ý kiến vào vấn đề này, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng: Nếu nhiều sở nhập lại thành một mà các bộ phận chỉ là con số cộng của các sở cũ, giải quyết công việc như cũ thì chỉ làm cho bộ máy thêm cồng kềnh, không hiệu quả. Ba sở gộp lại thì bộ máy tinh gọn còn 1/3 nhưng phải làm việc hiệu quả, nhất là giải quyết các công việc liên quan đến người dân.
Theo đó các địa phương cần áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử để giải quyết công việc một cách nhanh gọn, tăng hiệu suất công việc, tăng được lương cho cán bộ công chức thì mới đúng với tinh thần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy.
Tinh giản bộ máy không phải là câu chuyện mới. Việc sáp nhập, thu gọn đầu mối thực tế đã được thực hiện từ chục năm trước, khi các phòng ban ở huyện cũng rút gọn lại còn 12 đơn vị. Kết quả, bộ máy vẫn vận hành bình thường.
Gần đây nhất, Bộ Công thương đã tái cơ cấu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sáp nhập và giải thể một số đơn vị nhưng cũng không làm kém đi hiệu quả quản lý của Bộ này. Thế nhưng mỗi lần sáp nhập thì không ít những tiếng kêu than rằng việc nhiều, tinh gọn rất khó!
Tất nhiên, việc sáp nhập sẽ khó khăn vì điều đó đồng nghĩa với việc bớt đi nhiều vị trí lãnh đạo, còn chia tách thì ngược lại. Thế nên, tách thì dễ nhưng nhập vào thì khó. Khó vì đụng chạm đến quyền lợi của các đơn vị chịu tác động, chẳng phải vì thế đã từng có ý kiến nếu Hà Nội, TP HCM sáp nhập các sở ngành sẽ hình thành siêu sở, gây ách tắc trong công việc khiến việc khó chạy.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý là có thời cả nước đã có đến 46 Bộ, ngành, hay như chuyện sáp nhập Hà Nội và Hà Tây đâu phải việc dễ. Khi sáp nhập cũng đã có không ít những ý kiến phản đối, song với quyết tâm chính trị cao trong thực hiện, rõ ràng hoạt động của các Bộ đa ngành hiện vẫn đang ổn định, và Hà Nội sau 10 năm hợp nhất hiệu quả đã là câu trả lời sinh động nhất về sự sáp nhập. Gọn bộ máy nhưng quan trọng vẫn là hiệu lực hiệu quả đó mới là yêu cầu thiết thực nhất.