‘Bàn tay’ phụ huynh Hà Giang và những đứa trẻ hay cãi ở Israel

19/07/2018 16:14

Trong  “vụ án” tráo điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 tại Hà Giang, tôi tự hỏi Những đứa trẻ sinh năm 2000 (mở đầu cho một thế kỷ) đang là nạn nhân hay còn là đồng phạm của vụ gian lận này? Vụ  phù phép điểm thi ở Hà Giang chỉ có bàn tay đen của ông Vũ Trọng Lương hay còn cả bàn tay của các phụ huynh khác?

‘Bàn tay’ phụ huynh Hà Giang và những đứa trẻ hay cãi ở Israel

Giám đốc Đại học Hebrew.

Hot trend “phù phép điểm thi”

Những ngày gần đây, từ khóa “Hà Giang” đang đứng hàng đầu trong xu hướng (trend) tìm kiếm trên Google cùng với cụm từ “phù phép điểm thi”, “nâng điểm”, “điểm cao bất thường”, “sửa điểm”… Mạng xã hội truyền tai nhau câu nói chua cay “em phải đến Hà Giang để thi tốt nghiệp”.

Mặc dù 114 thí sinh được/ bị nâng điểm nhưng bây giờ nghi án lại dành cho cả những học sinh đi thi bằng thực lực của mình. Nhiều học sinh, sinh viên đến từ Hà Giang đã chia sẻ sự mặc cảm khi bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ “chạy điểm”, “mua điểm”.

Tôi chưa hình dung được tâm trạng của 114 thí sinh được nâng điểm ra sao khi nhận được kết quả thi “trên cả tuyệt vời” so với học lực của mình. Và cũng nhiều trong số họ đang từ thủ khoa trở thành kẻ trượt tốt nghiệp sau khi điểm thi được chấm lại. Từ đỉnh cao mau chóng trở về vực sâu.

Những đứa trẻ sinh năm 2000 (mở đầu cho một thế kỷ) đang là nạn nhân hay còn là đồng phạm của vụ gian lận này? Vụ phù phép điểm thi ở Hà Giang chỉ có bàn tay đen của ông Vũ Trọng Lương hay còn cả bàn tay của các phụ huynh khác?
Vào đời bằng “học gạo”?

Trong khi tự đặt câu hỏi cho 114 thí sinh tuổi được nâng đỡ thiếu trong sáng tại Hà Giang tôi nhớ tới câu chuyện những đứa trẻ hay cãi ở đất nước Isarel xa xôi - quốc gia khởi nghiệp. Ở đó, những đứa trẻ bước vào đời một cách khác biệt so với các bạn đồng lứa tại Việt Nam.

Cuối năm 2017, tôi đến Israel cùng với câu hỏi câu hỏi “người Isreal học thế nào” để trở thành quốc gia có chỉ số phát triển con người - HDI (Human Development Index) đứng thứ 18 trên thế giới? Vị trí của Việt Nam là 116.

‘Bàn tay’ phụ huynh Hà Giang và những đứa trẻ hay cãi ở Israel - 1

Những nhà bác học nổi tiếng thế giới tại Đại học Hebrew.

Thật may mắn khi tôi câu hỏi của tôi được bà Billy Shapira - Giám đốc Đại học Hebrew - ngôi trường có 8 giải Nobel và 1 giải Fields chia sẻ: “Phần lớn sinh viên Israel nhập học muộn so với sinh viên các nước. Vì sau ngay sau khi hoàn thành bậc trung học, họ thực hiện nghĩa vụ quân ngũ (bắt buộc 3 năm với nam và 2 năm đối với nữ). Họ nhập học bằng trải nghiệm cuộc sống chứ không học gạo”.

Trong thời gian phục vụ tại quân đội, các thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi đã tích lũy kinh nghiệm sống, kỷ luật và phương pháp làm việc đồng đội. Với các thanh niên Israel, việc phục vụ trong đơn vị quân đội sẽ là tín chỉ quan trọng bước vào đời chứ không phải cánh cổng trường đại học. Nhà tuyển dụng sẽ chấm điểm ứng viên khi nhìn vào việc bạn đã trải qua thời gian quân ngũ tại đơn vị nào trước khi nhìn vào bạn đã tốt nghiệp trường đại học nào.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiều thanh niên tiếp tục dành thời gian để làm tình nguyện, công tác xã hội hoặc đi du lịch. Và số còn lại mới chọn cánh cửa đại học làm nơi tiếp tục việc học của mình.

“Sinh viên Israel phần lớn là những người trưởng thành, dày dạn vốn sống. Họ mang tới trường đại học những vấn đề của cuộc sống, họ thảo luận cùng các giảng viên và giáo sư để giải bài toán cuộc sống”, Giám đốc Billy Shapira nói và cho hay hàng năm Đại học Hebrew có doanh thu hàng chục triệu USD trong lĩnh vực sáng tạo. Các nhà nghiên cứu và sinh viên của trường đã nhận tổng cộng 9.826 bằng sáng chế, tạo ra 2.753 phát minh (khoảng 150 phát minh mỗi năm), cho ra đời 600 sản phẩm thương mại, nhận 880 chứng nhận…

Cách vào đời của thanh niên Israel thật khác với cách vào đời của phần nhiều thanh niên Việt Nam - đó là học gạo. Thậm chí, một số cử nhân còn tiếp tục học thạc sĩ vì chưa tìm được việc làm. Trường học trở thành nơi tạm trú dài hạn. Thiếu thốn trải nghiệm cuộc đời khiến cho tình trạng cử nhân thất nghiệp lũy tiến theo từng năm.

‘Bàn tay’ phụ huynh Hà Giang và những đứa trẻ hay cãi ở Israel - 2

Sinh viên Đại học Hebrew tới giảng đường. Hầu hết sinh viên tại Israel học đại học sau khi đã phục vụ trong quân ngũ. Độ tuổi trung bình khi nhập học là 22,5 tuổi.

Có nên vào học đại học ngay?

Câu chuyện ở Hà Giang như cái kim ở trong bọc lâu ngày cũng lòi ra một lần nữa nói về thực trạng vào đại học bằng mọi giá. Những bàn tay đen đã bất chấp pháp luật đổi trắng thay đen, biến kẻ trượt thành đỗ, biến học sinh yếu kém thành thủ khoa… Hệ lụy sẽ không chỉ gói gọn trong phạm vi tỉnh Hà Giang. Sự nghi ngờ về tính trong sạch của kỳ thi quan trọng hàng đầu quốc gia lan ra nhiều tỉnh và nhiều kỳ thi trước.

Và điều gì sẽ xảy ra khi vụ việc ở Hà Giang thông đồng bén giọt? Hẳn là, bằng sự “nâng đỡ không trong sáng” của các phụ huynh, nhiều học sinh dốt đỗ vào các trường đại học hàng đầu chỉ để (có thể) bắt đầu cho quan lộ thần tốc sau này. Và biết đâu một trong số những kẻ đỗ đạt bằng sự gian lận sẽ trở thành thầy giáo, thành bác sĩ, thành công chức... Hệ lụy thật không thể lường hết.

Trước sự việc chấn động tại Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, liên quan kết quả thi THPT bất thường ở Hà Giang.

Một lần nữa, những băn khoăn về cải cách giáo dục, đổi mới phương thức thi cử lại tiếp tục được đặt ra đối với ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một sự đổi mới thực sự, phụ huynh và học sinh có thể ngay lập tức thay đổi cách tiếp cận đưa con vào đời, không nên trầm trọng hóa việc giáo dục đại học. Chỉ có như vậy, con cái chúng ta mới không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, không trở thành những đứa trẻ mãi được bao bọc bởi “tình yêu tử cung”.

Trở lại câu chuyện “trồng người”. Các chuyên gia đã so sánh triết lý giáo dục con cái của người Isreal bằng “tình yêu đống lửa” - nhen nhóm, khích lệ con với triết lý giáo dục của người Việt - yêu con bằng “tình yêu tử cung” - bao bọc, nâng đỡ.

Thế giới ngày càng đánh giá cao những trải nghiệm sống hơn điểm số được ghi nhận trên những bảng điểm thì nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông, thậm chí cử nhân tại Việt Nam ra trường vẫn chưa biết mình muốn gì. Nên chăng hãy để họ có thời gian dừng chân để trải nghiệm bằng các việc làm thêm, nhìn nhận bản thân, nuôi chí để học tiếp bậc đại học, học nghề, khởi nghiệp…

Công Khanh