Tạo thuận lợi thương mại
Ngày 19/7, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại”.
Theo phản ánh của các DN và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các DN được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Cơ chế một cửa ASEAN được triển khai chính thức từ tháng 11-2014, đến ngày 10-6-2018. Hiện đã có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 DN được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành. Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10-6-2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng DN. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ). Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.
Tuy nhiên ở mặt hạn chế, theo phản ánh của các DN và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các DN được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến. Còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp.
Các DN cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu.
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các DN, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan...