Tổ chức kỳ thi '2 trong 1': Rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp
Sự bất thường về điểm thi THPT quốc gia 2018 đang có dấu hiệu lan sang một số địa phương khác, ngoài Hà Giang. Trước những bức xúc từ dư luận xung quanh kết quả của kỳ thi “2 trong 1”, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau).
Ông Lê Thanh Vân.
PV:Thưa ông, chúng ta khó có thể có được đội ngũ cán bộ tốt khi đầu vào Đại học có những sản phẩm kém chất lượng. Từ sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Hà Giang vừa được công bố, quan điểm của ông thế nào?
Ông Lê Thanh Vân: Các cụ đã nói “kiến quốc dĩ nhân tài vi bản”, tức là coi nhân tài là gốc. Nhưng kiểm lại 2 mệnh đề đó cho thấy chúng ta đã làm đúng hay chưa. Giáo dục sa vào dạy kiến thức, chưa nói đến tác động từ tấm gương của bố mẹ, tấm gương của anh chị em trong gia đình, mãi mê đi kiếm tiền, có những gia đình làm ăn bàn tán cả chuyện gian trá lừa lọc vậy đó có phải là tấm gương tốt trong gia đình không?
Còn ra ngoài xã hội nhìn trật tự giao thông có thể biết không phải là tấm gương tốt cho học sinh, vứt xả thải rác ra môi trường. Đương nhiên ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính nhưng hãy thử xem các tác động khác ở môi trường gia đình, xã hội…Vì vậy đừng đổ hết lỗi cho giáo dục mà nó là hệ quả của nhiều tác nhân.
Ông nghĩ sao khi chúng ta đã đổi mới giáo dục nhiều lần song hiệu quả đem lại chưa cao?
- Chúng ta đang đi thiếu định hướng, không có nền tảng, cứ thấy cái gì hay ho nhưng chưa chắc đã hợp với mình là bắt chước. Không chỉ trong giáo dục mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy, ngay chuyện dẫn chứng kinh nghiệm nước ngoài nhưng không phù hợp với nước ta về hoàn cảnh lịch sử, tâm lý xã hội, điều kiện kinh tế xã hội không hợp. Cho nên phải có chắt lọc, lựa chọn tinh hoa hợp lý phù hợp với dân tộc mình.
Từ vụ việc cụ thể ở Hà Giang, có cần đánh giá lại cách thức tổ chức thi “2 trong 1” như hiện nay không, thưa ông?
- Chuyện thi trắc nghiệm khi đưa ra chủ trương đã có ý kiến phản đối rồi. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã có ĐBQH nói học sinh đã sinh ra cách chống đối. Cho nên nghiên cứu quy định làm sao cho thật sự khả thi, tránh sự lạm dụng ngay từ khi đề xuất chính sách, quy định.
Đặt ra quy định phải lường trước và đối phó, tức là đánh giá tác động. Phải xem xét chứ đến khi vào cuộc sống rồi nó muôn hình vạn trạng, nếu có xảy ra vấn đề cần tổng kết để sửa ngay nhưng chúng ta chậm sửa đổi cho nên mới dẫn đến hiện tượng ở Hà Giang.
Đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là bệnh “háo danh” của cha mẹ học sinh. Một xã hội mà chỉ toàn “háo danh” như vậy rồi vào bộ máy nhà nước thì chất lượng sẽ ra sao? Nguyên nhân tất cả từ con người, chọn người mà không đúng thì hậu quả khôn lường.
Trân trọng cảm ơn ông!