Kẽ hở chấm thi trắc nghiệm từng được cảnh báo

Phương Linh (thực hiện) 21/07/2018 08:30

Sự việc điểm thi bất thường ở Hà Giang đã chỉ ra những lỗ hổng nằm ở khâu chấm thi trắc nghiệm. Bình luận về câu chuyện này, TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: Cần phải cải tiến quá trình chấm thi. Vì nếu còn để công tác chấm thi tại địa phương sẽ khó tránh tiêu cực.

Kẽ hở chấm thi trắc nghiệm từng được cảnh báo

TS Quách Tuấn Ngọc.

PV:Theo kết quả điều tra, vị Phó phòng Khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Giang chỉ mất chừng 6 giây để điều chỉnh điểm cho mỗi bài thi, ông có bình luận gì?

TS Quách Tuấn Ngọc: Theo tôi, 6 giây là tính giai đoạn tìm số báo danh, copy và dán nó vào. Tuy nhiên để làm được việc này thì người vi phạm chắc chắn đã phải chuẩn bị rất kỹ từ trước rồi, thì mọi thao tác mới nhanh được, chứ không phải thao tác lần mò từng số báo danh. Trong việc này người ta không sửa trực tiếp bài thi mà sửa trực tiếp thẳng vào file kết quả nên động tác đó lại càng nhanh. Và tinh vi đến mức độ sau khi sửa file kết quả xong còn bình tĩnh quay lại xem có thời gian thì sửa phiếu trả lời trắc nghiệm.

Là một trong những người có ý tưởng đầu tiên về hệ thống công nghệ thông tin ở Bộ GD-ĐT, có bao giờ ông nghĩ đến việc sẽ có những kẽ hở bị lợi dụng?

- Tôi nghĩ rằng bao giờ những người vi phạm người ta cũng tận dụng mọi kẽ hở để thực hiện. Thực sự trong thời gian công tác tôi cũng luôn nghĩ rằng, việc giao toàn quyền cho một địa phương làm hoàn toàn, ví dụ như trong việc thi cử như thế này, là độ tin cậy không được cao lắm. Nhất là khi địa phương lại trông chờ, tin cậy vào một cán bộ nào đó làm trong lĩnh vực tin học. Thực ra vị cán bộ phó phòng này cũng là người thạo tin học, cho nên hệ thống máy móc, xử lý các file là vị này làm. Việc tin tưởng quá vào một cán bộ không có giám sát thì rất dễ xảy ra tiêu cực. Tôi cũng từng gặp trường hợp tương tự như vậy rồi.

Được biết, ông đã nhiều lần lên tiếng về kẽ hở của việc chấm thi trắc nghiệm?

- Tôi đã nhìn nhận ra vấn đề này ngay, và nhiều lần lên tiếng trong cuộc họp rằng: Thi tự luận bao giờ cũng có khâu làm phách và dồn túi những 2 lần. Cho nên sau khi cắt phách đi thì người chấm khó có thể biết bài nào của thí sinh nào. Và điều đó có thể an tâm trong quá trình chấm. Đến khâu giáp phách thì cả hội đồng ngồi khớp lệnh giáp phách bằng máy tính, và cho ra kết quả.

Nhưng thi trắc nghiệm, có cái bộc lộ ra ngay mà ai cũng có thể nhìn thấy, đó là không có phách. Cho nên cả quá trình chấm trên giấy hay trên máy, tất cả đều lộ ra số báo danh với thông tin thí sinh, nên nhiều khi khó cưỡng lại hành vi gian lận. Bởi vì lúc đó con cháu nhờ, họ hàng nhờ, lại nhìn thấy bài thi ngay trước mặt sẽ khó nghĩ. Tôi cho đó là nhược điểm của cách thi hiện nay. Làm ở địa phương áp lực của những người được nhờ vả rất lớn, từ họ hàng đến anh em cơ quan, chưa kể cấp trên nhờ đến. Cho nên không đấu tranh tư tưởng tốt rất dễ mắc sai phạm.

Vậy theo ông, có giải pháp gì để khắc phục những bất cập này?

- Ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tổ chức ở các địa phương là trong kỳ thi này Bộ GD-ĐT đã huy động giảng viên các trường đại học về coi thi cùng, rồi thanh tra… nhưng đến đoạn chấm thì chỉ còn người địa phương thực hiện các động tác chấm bài, ghép kết quả thì đấy là nguy cơ lớn, là cơ hội để xảy ra vi phạm.

Cá nhân tôi đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, nên rọc phách để không ai có thể biết bài nào của thí sinh nào. Thứ hai, sau khi làm bài xong thì chuyển bài làm về một cụm do một trường đại học quản lý chấm thi. Một cụm theo vùng miền, khoảng 3-4 tỉnh đưa về một trường đại học, giao cho trường đó chấm thi với một đội ngũ hoàn toàn tách biệt thì sẽ hạn chế rất nhiều.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Linh (thực hiện)