Đồng Lộc - Bài ca bất tử
Tối 21/7, tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc 1968 - 2018 và Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Đồng Lộc: Bài ca bất tử".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP.
Tới dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân các gia đình liệt sỹ, thương binh và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự buổi lễ.
Ngã ba Đồng Lộc từng là một “yết hầu” quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Cách đây 50 năm, ngay tại mảnh đất này, vào ngày 24/7, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trong lúc đang đào, lấp hố bom thông đường.
Thời gian ngày càng lùi xa nhưng hình ảnh, sự hy sinh anh dũng và cuộc sống, chiến đấu của 10 chị cùng hàng nghìn thanh niên xung phong, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ giao thông... ở Ngã ba anh dũng này vẫn mãi trường tồn, bất tử, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, vì độc lập, vì tự do và thống nhất đất nước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn dân ta đã dành “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Biết bao hy sinh, gian khổ, biết bao chiến công hiển hách của quân và dân cả nước đã đi vào huyền thoại gắn với những tên đất, tên người. Trong đó, địa danh Đồng Lộc đã đi vào lịch sử với sự hy sinh to lớn trên từng tấc đất thân yêu của hàng trăm anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mới mười tám, đôi mươi - những người đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này, nơi cách đây 50 năm, “bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường”. “Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”.
Đã có biết bao người con thân yêu của quê hương, đất nước mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này. Trong đó, tiêu biểu nhất là sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong - 10 đoá hoa trinh liệt vào ngày 24/7/1968 đã viết thêm một câu chuyện huyền thoại bất tử của dân tộc ta.
Với tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình, dù không kịp bước chân về phía hòa bình nhưng máu xương của các chị đã hòa tan vào non sông, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của các chị đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sự cống hiến to lớn, không tiếc tuổi xuân của tầng tầng, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Chương trình nghệ thuật tại lễ tri ân.
Để đất nước Việt Nam có hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay, dân tộc chúng ta đã phải trải qua biết bao các cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược, phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát to lớn. Hơn ai hết, nhân dân ta hiểu rất rõ giá trị của độc lập, tự do và chúng ta sẽ quyết tâm giữ gìn độc lập, tự do đó cho muôn đời sau.
“Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, cha ông ta, các thế hệ đi trước đều phải hy sinh bao xương máu trên mỗi tấc giang sơn mới giữ được độc lập, tự do của Tổ quốc. Những Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, hang Tám cô, Thành cổ Quảng Trị… và hàng nghìn địa danh khác luôn nhắc nhở chúng ta và thế hệ con cháu mai sau về một thời đất nước gian lao, mưa bom, bão đạn nhưng chưa bao giờ người Việt Nam chịu cúi đầu khuất phục trước kẻ thù”, Thủ tướng nêu rõ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh mạnh mẽ trên những mảnh đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa. Đến Đồng Lộc hôm nay, chúng ta vui mừng được chứng kiến một vùng đất xanh tươi, tràn đầy sức sống. Từ mảnh đất bom cày, đạn xới, hố bom chồng lên hố bom, Đồng Lộc hôm nay đã là một thị trấn với sự đổi mới, chuyển mình phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ tự hào, gần gũi và thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Tại buổi lễ, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và cả nước, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, phải thực hiện thật tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… giúp đồng chí, đồng bào vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, có cuộc sống ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sĩ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng.
“Chúng ta xác định việc thực hiện công tác thương binh liệt sĩ, chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công là bổn phận, trách nhiệm thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của mỗi con người chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.
“Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Chúng ta càng phải kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tiếp tục nỗ lực phấn đấu hết sức mình để các thế hệ người dân Việt Nam mãi mãi được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao quà cho thân nhân 10 nữ liệt sĩ và các anh hùng chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc và Nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình có công với cách mạng và có hoàn cảnh khó khăn.
Dịp này, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận xã Đồng Lộc là thị trấn trực thuộc huyện Can Lộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và lãnh đạo các Bộ, ban ngành, tỉnh Hà Tĩnh cắt băng thông xe đường tránh phía đông Ngã ba Đồng Lộc.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham dự và cắt băng lễ thông xe đường tránh phía Đông Khu di tích lịch sử Ngã 3 Đồng Lộc, và tiến hành nghi lễ dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ TNXP trong cả nước và Khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 24/7/1968.
Cầu siêu cho các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào
Trước đó, tối ngày 20/7, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Anh Sơn tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào, nhân kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sỹ.
Tham dự lễ cầu siêu có các ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; cùng đại diện các sở, ban, ngành địa phương và đông đảo nhân dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thắp hương tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh:Điền Bắc.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sỹ; tưởng niệm và nguyện cầu cho anh linh những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Hàng nghìn ngọn nến, hoa và hương thơm được các phật tử và nhân dân dâng lên, thể hiện lòng tri ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tham dự lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào. Ảnh:Điền Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sỹ; và bày tỏ tâm nguyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với các thương bệnh binh, các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.
Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức lễ đã trao tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh, và gia đình có công với cách mạng.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào là nơi tập trung các phần mộ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ tình nguyện, và chuyên gia quân sự hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào. Trong đó, phần lớn các liệt sỹ có quê từ Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương...
Ban tổ chức lễ đã trao quà cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh, và gia đình có công với cách mạng. Ảnh:Điền Bắc.