Nghe trẻ em nói
Mới rồi đưa con ra sân chơi ở một chung trong thành phố, tôi vô tình nghe được những câu chuyện không đầu không cuối của một nhóm trẻ em cỡ vừa qua tiểu học mà giật mình lo lắng.
Đã loáng thoáng có sự để ý giữa bạn trai và bạn gái, có sự ganh tị về hình thức và ăn mặc giữa các bạn gái và đặc biệt là những chia sẻ về gia đình, trong đó có sự thiếu quan tâm, trao đổi giữa các thành viên. Ví dụ như, bố mẹ tao đi làm suốt, tối thì tao lại đi học thêm. Giao thiệp chủ yếu là khi thức dậy cho tiền ăn sáng, hoặc hôm nào dậy muộn thì bố tao đèo đi học, … chấm hết. Có bạn lại kể, tối thì mọi người ở nhà cả nhưng ai cũng ôm điện thoại…
Thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích, cơ hội và niềm vui mà công nghệ đã và đang mang lại. Những tiện ích công nghệ như điện thoại, Skype, Facebook, Twitter,… đem đến những cách thức giao tiếp tiện lợi, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, tạo điều kiện cho việc kết nối thông tin, liên lạc giữa các thành viên khi ở xa nhau.
Cha mẹ thông qua mạng xã hội có thể học hỏi các thông tin để chăm sóc con cái. Các bậc phụ huynh thông qua các phương tiện công nghệ có thể theo dõi và quan sát các hoạt động trong trường học của con em mình từ xa. Công nghệ cũng mang lại tiện ích giải trí đa dạng, giúp con người giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống bộn bề lo toan. Song chính nó lại khiến các thành viên trong gia đình thường ít có sự gắn kết, không có sự trò chuyện giữa bố mẹ và con cái, thậm chí giữa những cặp vợ chồng.
Đối mặt với thực trạng này, những năm gần đây, việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, lắng nghe trẻ em đã được Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm. Ðiểm nhấn quan trọng là hệ thống văn bản pháp lý đã có quy định rõ về quyền tham gia của trẻ em như một yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan đến trẻ em. Tại những diễn đàn dành cho trẻ em, hàng nghìn trẻ em đã bày tỏ mong muốn được cha mẹ, người thân quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Thay vì những lời quát mắng, roi vọt dạy dỗ, người lớn hãy lắng nghe trẻ em nói và phân tích, giảng giải cho trẻ em thế nào là đúng, thế nào là sai, việc gì nên làm, việc gì không nên làm…
Theo các chuyên gia tâm lý về trẻ em, ở các gia đình hiện đại, những câu nói phổ biến của người lớn như: “Bố, mẹ đang bận làm việc, con ra chỗ khác chơi”, “Con đòi hỏi nhiều quá, bố mẹ không có tiền, không có thời gian”, “Con nhìn bạn xem, bạn giỏi thế, con chả được tích sự gì cả”… như gáo nước lạnh dội vào con trẻ. Thái độ và những lời nói tương tự như thế lặp đi lặp lại nhiều lần khiến trẻ em thiếu tự tin, sống khép kín và có thể là nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.
Về phía ngành giáo dục, có thể vui mừng nhận thấy, ngành giáo dục đã định hướng chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên dư luận lại vô cùng băn khoăn về phương thức thực hiện, trong đó đặc biệt lo ngại về vai trò của giáo viên. Theo phân tích của nhiều chuyên gia thì phương pháp giáo dục mới theo hướng gợi mở, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh thường ít được chú trọng. Vì thế thái độ coi thường, không lắng nghe học sinh nói của giáo viên có thể nói là yếu kém trong bộ phận giáo viên.
Hãy đối xử với trẻ như những người bạn. Điều đó sẽ giúp cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh thấu hiểu nhau, gắn kết với nhau sâu sắc hơn - Các chuyên gia giáo dục khuyên.