Doanh nghiệp FDI - doanh nghiệp nội: Chờ đợi gì ở mối quan hệ cộng sinh?

Đỗ Quang 23/07/2018 09:00

Đã qua hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (1997), nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả. Nhưng tới nay, người ta vẫn chưa thấy “mối lương duyên” giữa DN nội với DN FDI. Cái bắt tay là cần thiết nhưng vẫn khó khăn.

Doanh nghiệp FDI - doanh nghiệp nội: Chờ đợi gì ở mối quan hệ cộng sinh?

Khối doanh nghiệp FDI vẫn hoạt động khép kín.

Con số ít ỏi 14%

Sự phối hợp làm ăn giữa DN nội (chủ yếu là DN nhỏ và vừa) và DN FDI có thể ví như một sự kết nối cộng sinh- có nghĩa là cùng làm ăn theo phương châm cả hai cùng thắng. Vả lại, trong chủ trương ưu đãi đầu tư nước ngoài cũng đặt ra mục tiêu liên kết giữa hai khối DN. Nhưng, tới thời điểm này, cái bắt tay nếu có thì cũng lỏng lẻo, sự quan hệ mờ nhạt. Nói một cách ví von là DN nội với DN FDI “có duyên nhưng chưa có phận”.

Bà Orsolya Grove- đại diện Nhóm công tác đầu tư và thương mại (VBF) cũng như một số chuyên gia tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ năm 2018 cho rằng, có thể ví sau hơn 30 năm “giáp mặt” nhưng “chàng trai” FDI và “cô gái” DN Việt vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu mà chưa được “bén duyên”. Kỳ vọng, hay nói khác là mục tiêu cần phấn đấu, đi tới “hôn nhân” giữa hai khối DN để từ đó “sinh con đẻ cái” vẫn xa vời.

Con số từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, khoảng 80% DN FDI ở Việt Nam là DN 100% vốn nước ngoài. Họ gần như làm “trọn gói” mà ít cần tới sự hỗ trợ của DN nội. Tới nay, chỉ có khoảng 14% DN tư nhân trong nước là có khách hàng DN FDI. Một thống kê khác cho thấy, chỉ 26,6% đầu vào của DN FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ không nhỏ lại được mua từ chính các DN FDI khác. Có nghĩa là, các DN FDI hoặc là tự mình xoay xỏa, hoặc là bắt tay với DN FDI khác, trong khi thờ ơ với DN nội.

Việc chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN nội cũng vẫn ở mức thấp. Theo VCCI, năng lực hấp thu công nghệ của Việt Nam mới xếp thứ 93, chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN nội xếp thứ 89, độ sâu của chuỗi giá trị tại Việt Nam xếp thứ 106, giáo dục đào tạo sau phổ thông xếp thứ 68. Trong khi chỉ số trung bình là 50. Như vậy, lý do DN FDI “ngại cộng sinh” với DN nội là có lý do, vì họ chưa tìm thấy mối lợi trong đó. Nói như ông Kim Heung-soo (Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam) thì đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI.
Thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI vẫn là một chặng đường rất dài.

Để khắc phục, còn phải làm rất nhiều việc. Nhưng nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì trước hết DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

“Tự lớn”, không thể trông chờ chính sách

Nhận thức rõ tình hình, còn nhớ Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 được tổ chức cũng nhắm tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn trong hợp tác giữa DN trong nước và khối đầu tư nước ngoài.

Diễn đàn đã kéo dài tới 5 giờ với rất nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận. Nhưng, theo giới chuyên gia, thì rào cản chính yếu vẫn chưa thể tìm được cách giải quyết. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì “các ý kiến để giải quyết vấn đề lệch pha trong phối hợp giữa khối DN nhỏ và vừa trong nước cùng các DN FDI vẫn còn ít”. Mặc dù nói như ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI thì “không thể tiếp tục để tình trạng một quốc gia, hai nền kinh tế; hay một nền kinh tế hai tốc độ tăng trưởng như hiện tại, khi mà khối DN FDI và khối DN nhỏ và vừa trong nước không có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau”.

Liên kết là để cả hai cùng mạnh lên, phải tự nguyện, tìm thấy lợi ích từ nhau chứ không phải là ép buộc. Điều đó cần được nhìn nhận rõ ràng, tuy nhiên không ít DN trong nước vẫn không ngớt kêu ca về việc Nhà nước ưu đãi cho DN FDI, và lên tiếng đòi hỏi sự bảo hộ dựa trên “tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước”. Điều đó ngược với thực tế của nền kinh tế thị trường. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ sẽ không cố gắng thu hẹp hay làm yếu đi nhóm FDI, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai khu vực này cùng phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ sự kết nối hai khu vực này vào nền kinh tế, giúp các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nói tóm lại, Chính phủ có chính sách hỗ trợ chứ không thể ép buộc DN FDI trong mối liên hệ cộng sinh này, mà tự DN nội phải có ý chí vươn lên. Vấn đề cốt yếu phải là ở DN nội.

Trong câu chuyện này, ý kiến của vị Chủ tịch VCCI là rất đáng suy nghĩ, khi ông Lộc cho rằng nhiều năm qua, câu chuyện liên kết giữa DN FDI và DN nội vẫn nhắc đi nhắc lại mà không có nhiều cải thiện. DN nội “kêu” DN FDI không chịu chia sẻ, hợp tác. Trong khi DN FDI cho rằng sở dĩ như vậy là do các DN nội không đủ năng lực tham gia chuỗi sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Vậy thì, nguyên nhân “mối lương duyên bất thành” này do ai?

Tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ VBF 2018, ông Tomaso Andreatta, đồng chủ tịch VBF cho rằng, muốn có liên kết giữa DN FDI và DN trong nước thì phải cơ cấu lại khối DN trong nước bằng những bước đi thực tế chứ không chỉ dừng ở chính sách và ý muốn.

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright), DN FDI cũng như DN nội không thấy được lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ, mặc dù một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Việt Nam đã đặt ra chính là mong muốn nhận được những công nghệ tiên tiến hơn. Các địa phương lại thu hút đầu tư gấp gáp, chỉ để lấp đầy các khu công nghiệp mà không tính đến lộ trình phát triển lâu dài cho địa phương. Trong khi đó nhiều DN FDI đến Việt Nam chỉ để tận dụng các biệt đãi mà hầu như không thực hiện cam kết nào.

Đỗ Quang