Mở cánh cửa thủ tục hành chính
Một cửa nhưng “nhiều khóa” đang cản trở nền hành chính quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, đã phải than trời khi thủ tục hành chính dù đã áp dụng cơ chế “một cửa” nhưng vẫn phải dùng nhiều “chìa khóa” để mở. Đó chính là sự nhũng nhiễu đến từ một bộ phận cán bộ gây phiền hà hòng “bôi trơn” mới xong việc.
Dù đã bước sang năm thứ 12, thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương”, nhưng đến nay những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các thủ tục liên thông vẫn “nảy sinh”, trở thành vật cản lớn trong việc thực hiện một chủ trương lớn của Chính phủ.
Một câu hỏi lớn trong 12 năm qua là: Tại sao trong một “rừng văn bản pháp luật” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính nhưng nền hành chính ở nhiều ngành, địa phương vẫn “hành là chính”.
Liệu có phải là một sự lạc quan quá mức hay không khi mà cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” đã hiện hữu, nhưng vẫn... chưa thông. Thực tế là, tham nhũng vặt đang hiện hữu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ đất đai, xây dựng, cho đến thông quan hàng hóa. Điều đó khiến người dân và doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần mới xong việc, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thẳng thắn mà nói, trong kế hoạch tổng thể triển khai “Cơ chế một cửa quốc gia”, “Cơ chế một cửa ASEAN” giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: “Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua cơ chế một cửa quốc gia”.
Đồng thời, “Đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử”.
Còn riêng về cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đặt ra mục tiêu: “Tham gia và triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia”.
Thế nhưng, đánh giá của Tổng cục Hải quan cho thấy, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Một trong những nguyên nhân là một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt. Và điều này đòi hỏi trong thời gian tới, các bộ ngành cần nỗ lực tối đa tổ chức thực hiện để đạt yêu cầu, mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính.
Nhưng theo xác nhận được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” diễn ra hôm qua thì “đến nay mới chỉ có 11 bộ, ngành đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện 53 thủ tục”. Một con số khiêm tốn trong khi mục tiêu đến cuối năm là 143 thủ tục.
Chưa kể, theo chính Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.
Sự nửa vời, việc hành doanh nghiệp được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói đến nằm ở chỗ “bên cạnh gửi hồ sơ điện tử thì doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy”. Những điều kiện, những “giấy phép con” đã được “vẽ” ra để đòi “bôi trơn”, “hoa hồng”. Hay,“nhiều doanh nghiệp thạo thủ tục nhưng vẫn gặp khó. Cơ chế “một cửa” quốc gia thực hiện nhiều năm nhưng vẫn có trường hợp một cửa nhưng nhiều khóa, khiến doanh nghiệp nộp hồ sơ phải chạy hết bộ này sang bộ kia, mất rất nhiều thời gian”-lời nói thẳng băng được ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPFS) từng than phiền mới đây khi doanh nghiệp đối thoại với hải quan về một sự cản trở giao thương.
Với quyết tâm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị phải vào cuộc một cách cương quyết, không để tồn tại những bất cập trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính, mà trọng tâm là nhóm thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai.
Đầu năm 2018, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc đến “không có chỗ cho sự chần chừ”. Mà theo đó là cần đi đôi với chống gian lận thương mại, không được lấy lý do chống gian lận, bảo vệ sản xuất trong nước để níu giữ quyền lực của bộ ngành, gây khó dễ cho giao thương.
Câu hỏi được đặt ra là làm sao để chấm dứt được tình trạng một cửa nhưng nhiều khóa? Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề không phải một cửa hay nhiều cửa mà vấn đề là do tham nhũng còn tồn tại gây rắc rối, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, và chính tham nhũng tạo ra “cửa” để người dân và doanh nghiệp phải đút tiền để qua “cửa ải” đó.
“Cho nên tham nhũng đang là “vấn đề đầu tiên” hạn chế hiệu quả của các cơ quan hành chính. Có tâm lý của một số quan chức là không tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà muốn tạo ra khó khăn để hưởng lợi từ doanh nghiệp, người dân. Một cửa hay nhiều cửa chỉ là một phần của vấn đề, tức là hình thức, còn nội dung phải thay đổi là diệt trừ tham nhũng, làm giảm sự gây phiền hà, phiền toái cho người dân và doanh nghiệp”- ông Hiếu nhìn nhận.
Mệnh lệnh đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, “không được cản trở giao thương”. Còn vấn đề mang tính quyết định nằm ở ý thức của từng cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Có như vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính mới thông suốt, hiệu quả, người dân mới tin vào sự trong sạch của bộ máy công quyền. Nhưng trong một nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo năng lực hiệu quả của cán bộ, thì việc làm kiên quyết đầu tiên là “điều chỉnh cán bộ” thông qua sự chấm điểm của người dân trong giải quyết công việc; thay vì đánh giá dựa vào những chiếc camera giám sát cán bộ ở bộ phận một cửa nhưng thiếu sự liên thông.