Đồng bằng sông Cửu Long: Xói lở ngày càng khốc liệt
Sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến ngày càng phức tạp, không theo quy luật tự nhiên. Đến nay ĐBSCL có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, riêng sạt lở bờ sông 513 điểm, chiều dài 520 km. Trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm 55 điểm, chiều dài 173 km, bờ biển sạt lở 20 điểm, chiều dài 98 km.
Một vụ sạt lở ở Ô Môn (Cần Thơ).
Diễn biến phức tạp, nguy cơ tăng cao
Tình trạng sạt lở đã làm suy thoái rừng ngập mặn tương đối lớn, tính 5 năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn giảm 10% tương đương với trên 28.378 ha.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn ra ngày càng khốc liệt vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phát triển hồ đập trên dòng nhánh sông Mê Kong khiến cho phần lớn lượng phù sa bùn cát bị giữ lại, cộng với các nguyên nhân gia tăng dân số, hạ tầng, biến đối khí hậu...
Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã xảy ra 112 vụ sạt lở, chiều dài trên 3,5 km, thiệt hại 136 căn nhà, ước thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Cà Mau cũng thống kê được 37 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 30km; sạt lở bờ biển cả biển Tây và biển Đông chiều dài trên 20 km. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2018 tình hình sạt lở đất ven sông sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở, trên địa bàn tỉnh An Giang, từ năm 2002 (có 25 đoạn) cho thấy, hiện có 51 đoạn thuộc diện cảnh báo gồm: 11 đoạn dọc sông Tiền, 26 đoạn trên sông Hậu, 1 đoạn sông Bình Di, 2 đoạn sông Châu Đốc, 2 đoạn sông Vàm Nao, 4 đoạn kênh Xáng Tân An, 5 đoạn kênh Ông Chưởng. Tổng chiều dài các đoạn nguy cơ sạt lở khoảng 162,6 km (trên tổng số 400 km đường bờ), gây ảnh hưởng cho hơn 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.
Không theo quy luật tự nhiên
Ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là hạn hán tại ĐBSCL cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Năm 2017, bão lụt, cả nước làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 60 ngàn tỷ đồng…Từ đầu năm 2018 đến nay, các đợt mưa đặc biệt lớn đã gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng.
Nhận định về tình hình sạt lở ở nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL thời gian qua, TS Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo: Sạt lở ở vùng ĐBSCL không còn theo quy luật của tự nhiên, dòng sông bên lở bên bồi. Đây là điều mà cơ quan chức năng cần cảnh báo đến người dân để không chủ quan.
Trước đây mùa mưa, khi lượng nước từ đầu nguồn sông Mekong đổ về mạnh khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều. Tuy nhiên những năm gần đây tình trạng sạt lở lại xảy ra nhiều vào mùa khô. Lý giải về điều này ThS Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng nguyên nhân sạt lở là do mất cân bằng. Trước tiên là thiếu phù sa do các đập thủy điện trên dòng Mekong chắn lại, thiếu cát là do khai thác cát quá tải. Sạt lở không còn tuân theo quy luật thiên nhiên.
Bộ NNPTNT cũng đã chỉ ra các nguyên nhân tác động đến tình trạng sạt lở diễn biến bất thường thời gian gần đây như, tình trạng khai thác cát; gia tăng phát triển dân số; xây dựng công trình hạ tầng, nhà ven sông, ven biển gia tăng; phát triển gia tăng đường thuỷ, bộ làm tăng nguy cơ sạt lở; các tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng không có quy hoạch đã thu hẹp không gian trữ, thoát lũ (phục vụ lúa vụ 3); Chuyển đổi rừng ngập mặn thành khu nuôi trồng thuỷ sản; tác động từ nước biển dâng; tác động của sóng. Ngoài ra còn có các tác động khác như sụt lún đất và quy luật vận động tự nhiên của lòng dẫn.
Nhiều giải pháp ứng phó
Theo PGS.TS Đinh Công Sản- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), xuất phát từ những tổng kết từ các dự án đã thực hiện, rút ra một số lưu ý trong thực hiện giải pháp kết hợp công trình giảm sóng và gây bồi. Cụ thể, đối với giải pháp gây bồi và trồng rừng lấn biển, nên thực hiện theo hình thức lấn dần từng bước theo từng giai đoạn, từ trong ra ngoài; đối với giải pháp công trình giảm sóng gây bồi, nên áp dụng dạng công trình ít hối tiếc, ngắn hạn, đơn giản, sử dụng vật liệu địa phương hoặc các dạng kết cấu sử dụng vật liệu nhẹ có thể tận dụng lại và dễ dàng tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt. Giải pháp nuôi bãi cũng cần được nghiên cứu, thử nghiệm.
Ông Đinh Công Sản cho biết thêm: Về giải pháp công trình ở những khu vực quan trọng, cần xem xét giải pháp cứng kết hợp với giải pháp mềm, đó là đê phá hay chắn sóng phía ngoài bằng bê tông, phía trong là kết cấu mền. Bên cạnh đó giải pháp công trình cứng, ngoài nhiệm vụ gây bồi cần có mục tiêu khôi phục rừng ngập mặn và phải đảm bảo tốc độ bồi lắng không quá nhiều; bồi lắng được cả phù xa hạt mịn có nhiều dinh dưỡng để cây ngập mặn có thể phát triển.
Sạt lở đe dọa nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian qua, tỉnh An Giang áp dụng nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Ông Lương Huy Khanh- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh An Giang cho biết: Đối với giải pháp công trình, chủ yếu thực hiện 3 loại giải pháp công trình bảo vệ bờ sông, như sau. Kè mái nghiêng kết hợp 3 vật liệu (bê tông tấm lát, thảm đá, bao tải cát); Kè mái nghiêng kết hợp 2 vật liệu (thảm đá, bao tải cát); Kết hợp Kè Tường chắn và mái nghiêng. Giải pháp phi công trình gồm thành lập Tổ Tư vấn ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp do sạt lở; tổ chức di dời các công trình trên sông (nhà nổi, lòng bè, bền tàu,…); trồng cỏ bảo vệ mái, rào giảm sóng bảo vệ mái; mở rộng mái đê, cơ đê, trồng cây chắn sóng; di dời những hộ dân ra ngoài phạm vi có nguy cơ sạt lở.
Thời gian qua, huyện Gò công Đông tỉnh Tiền Giang đã triển khai công trình gây bồi tạo bãi bảo vệ bờ biển bằng giải pháp kè mềm Geotube, bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt, giúp gia tăng hiệu quả giảm sóng. Sau hơn 1 năm sử dụng, bãi biển đã bồi thêm được 0,7 m dến 1,4 m.
PGS.TS Lê Anh Tuấn- Viện phó Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng từ Bản đồ sạt lở bờ sông của Bộ NNPTNT, các địa phương ở vùng ĐBSCL cần phải xây dựng một bản đồ riêng dự báo chung cho vùng, đánh dấu các điểm đen sạt lở lên bản đồ đó giống như điểm đen giao thông đường bộ vậy. Các địa phương phải chủ động chi tiết hóa và cập nhật thường xuyên hơn nữa và hạn chế cấp phép khai thác cát và điều tiết phương tiện giao thông hoặc việc xây dựng nhà, cầu cảng; lập ra các bảng cảnh báo tại những nguy cơ sạt lở.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, thời gian qua nhiều công trình của trung ương, địa phương đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả thì cũng có những công trình không thành công. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải đưa ra giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển như thế nào để phù hợp với thực tiễn.