Điểm xét tuyển gắn với chất lượng đào tạo

Dung Hòa 27/07/2018 08:30

Cho đến hết thời hạn đăng ký điều chỉnh xét tuyển nguyện vọng trực tuyến (ngày 26/7), thông tin từ nhiều trường THPT cho biết tỉ lệ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH không nhiều. Theo lịch tuyển sinh, các thí sinh vẫn còn thời gian để điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu cho đến cuối giờ chiều ngày 28/7.

Điểm xét tuyển gắn với chất lượng đào tạo

Nhiều thí sinh đang trông chờ các trường đại học hạ điểm chuẩn. Ảnh: Quang Vinh.

Hi vọng trường hạ điểm chuẩn

Thí sinh Hoàng Anh (Hưng Yên) cho biết, kỳ thi “2 trong 1” năm 2018, em dự thi tổ hợp KHXH và đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành- Trường ĐHKHXHNV - ĐHQG Hà Nội; nguyện vọng 2 vào Khoa Luật- Trường ĐH Luật Hà Nội. Tổng điểm thi và điểm ưu tiên là 26,75 điểm. Em đã nghe ngóng và tham khảo rất nhiều trước cơ hội điều chỉnh nguyện vọng. Sau nhiều ngày suy nghĩ em quyết định không điều chỉnh nguyện vọng, bởi theo dự báo xu hướng điểm chuẩn của các trường, em tự tin hi vọng mức điểm số ấy sẽ thừa sức thỏa mãn nguyện vọng 1.

Tương tự, thí sinh Ngọc Thu (Hoài Đức- Hà Nội) dự thi khối D, đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Luật- ĐH Luật Hà Nội; nguyện vọng 2 vào Khoa Kế toán- ĐH Tài chính kế toán, với tổng điểm thi và ưu tiên là 23 điểm. Sau một thời gian tham khảo và cân nhắc, em quyết định không điều chỉnh nguyện vọng, bởi với mức điểm này, em đặt nhiều hi vọng Khoa Luật của ĐH Luật Hà Nội sẽ giảm điểm xét tuyển so với năm 2018 (trước đó năm 2017 Khoa Luật- ĐH Luật Hà Nội khối D01 lấy 23,5 điểm).

Từ thực tế phổ điểm thi năm nay, các chuyên gia có chung dự báo: Các trường ĐH hàng năm có điểm trúng tuyển trên 23 điểm thì năm nay có khả năng sẽ điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, các trường có ngưỡng điểm trúng tuyển hàng năm dao động từ 18 đến 21 điểm năm nay sẽ dự kiến sẽ không thay đổi nhiều. Các thí sinh nên tham khảo mức điểm trúng tuyển của các trường ĐH trong 3 năm gần đây để đưa ra dự đoán với mức điểm của mình.

Dẫu thế một số thí sinh cho biết, dù đã được hướng dẫn kỹ về việc điều chỉnh nguyện vọng nhưng các bạn vẫn thấy rất mông lung. Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ lại chỉ công bố điểm sàn, không công bố số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường nên thí sinh vẫn phân vân hết mức. Điều lưu ý với các em là mặc dù chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần, nhưng cơ hội vẫn còn mở ra cho thí sinh sau khi điều chỉnh. Những thí sinh không trúng tuyển đợt 1, vẫn có thể tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo nếu các trường không tuyển đủ chỉ tiêu (theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trước 17 giờ ngày 6/8, các trường phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1).

Học nghề, sao không?

Năm 2018, Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn, các trường ĐH tự quy định ngưỡng điểm sàn và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Theo công bố của Bộ GD-ĐT, năm 2018 điểm trung bình của tổng điểm các khối thi đều lớn hơn 15. Tuy nhiên, nhiều trường top giữa và top dưới thông báo mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH chính quy chỉ từ 13 – 14 điểm (đã bao gồm cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng), thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu do Bộ GD-ĐT quy định năm 2017 từ 1 - 3 điểm. Điều đáng nói, nhiều ĐH công lập top giữa cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển rất thấp. Đơn cử như ĐH Giao thông vận tải có 15 ngành lấy điểm xét tuyển là 14 và 14,5.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu- Trưởng phòng Đào tạo- Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH phải từ 15 trở lên, nếu thấp thì không nên dưới 12. Nếu các em điểm dưới 15 thì nên đi học nghề vì “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Các em là người thợ giỏi có tay nghề cao còn tốt hơn cố học ĐH trong khi năng lực hạn chế, ra trường cũng sẽ khó cạnh tranh trên thị trường lao động.

Dung Hòa