Văn nghệ là để nâng cao con người

Thành Vĩnh 27/07/2018 09:30

Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam.

Tư tưởng này xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng từ Đề cương Văn hóa 1943 tới Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa. Để làm được điều này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.

Có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường; nặng về tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử?- Tổng Bí thư đặt câu hỏi và đề cập đến các hiện tượng văn nghệ “gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Một nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn là gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển. 70 năm trước, năm 1948, Hội Văn nghệ mới ra đời nhưng cần phải nhớ rằng trước cả khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng đã có một văn kiện về văn hóa - Đề cương Văn hóa năm 1943. Không phải ngẫu nhiên trong khi bối cảnh xã hội lúc ấy chỉ cần có cơm ăn, Đảng lại nhìn ra sức mạnh từ văn hóa. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, vào thời kỳ ấy các nhà cách mạng đã thấy rõ, cần trước hết một cương lĩnh soi đường cho đời sống tinh thần của cả dân tộc đang chìm đắm trong bảo thủ lạc hậu của văn hóa phong kiến trung cổ và văn hóa nô dịch thực dân. Lần đầu tiên Đảng công khai quan điểm, thái độ về văn hóa và nhờ chính cương ấy mà tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức hướng tới mục tiêu chung là làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam có sức mạnh đặc biệt, lôi cuốn và tập hợp đông đảo người Việt Nam yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Sự có mặt kịp thời của đội ngũ trí thức chính là một trong những tiền đề dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám.

Có một chuyên gia kinh tế từng cho rằng: Trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và cải cách văn hóa thì cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng hơn cả. Lý do là vì văn hóa là môi trường tinh thần, là lá phổi của đời sống mà sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công của đổi mới kinh tế và chính trị.

Quả thật, trong bối cảnh Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới ở Việt Nam năm 1986, đã phải cần kíp đi kèm một chính cương văn hóa mới - Nghị quyết 05 năm 1987, tạo đà cho sự ra đời NQTƯ 5 (khóa VIII) mở ra bước phát triển mới, toàn diện, rộng khắp hơn của đời sống văn nghệ. Và mới đây nhất, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa được nhiều nhà nghiên cứu gọi là cương lĩnh thứ 3 đã mở ra những cánh cửa hội nhập toàn cầu cho văn nghệ Việt Nam. Lần đầu tiên khái niệm văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước được đề cập tới trong một văn kiện của Đảng. Nhận thức về văn hóa được kế thừa, bổ sung tiến gần đến giá trị cốt lõi nhất: Hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững.

Để thấy, sự thăng trầm của đời sống văn nghệ Việt Nam gắn với thăng trầm của lịch sử dân tộc. Điều mà theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nó khiến cho bản thân người nghệ sĩ không thể bước ra khỏi bức tranh xã hội của người Việt. Tất nhiên, thời đại mới đã làm hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật thay đổi. Vẫn theo cách nói của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nền văn nghệ Việt Nam trở nên tự tin hơn trong sự đa dạng khi đồng nhịp với thế giới bên ngoài. Nhưng liền đó, cũng phơi bày nhiều bất cập “khi thế giới thật gần với người Việt, kể cả với những đứa trẻ, thì cái bi kịch nó cũng có thể bắt đầu từ đó. Bởi chúng ta không còn là ốc đảo biệt lập nữa. Thế giới phẳng rồi. Soi lại, liệu chúng ta đã có một cơ thể khỏe mạnh đủ sức đề kháng trong cái thế giới phẳng đó chưa?”.

Có lợi thế từ việc tiếp cận nhanh, bước nhanh ra thế giới bên ngoài nhưng rồi từ đó, thay đổi đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta thế nào lại là một câu chuyện khác. Để tiếp nhận tinh hoa loài người, cần một thể chất lành mạnh.

Trong đó phẩm cách nghệ sĩ vẫn là vấn đề quan trọng nhất khi mà trong đời sống văn nghệ hiện nay, tự bảo trọng được phẩm cách cá nhân là một việc không đơn giản. Sự xuất hiện của mạng xã hội là môi trường thuận lợi để văn nghệ sĩ lập ngôn, công bố tác phẩm. Cũng như thực tiễn đời sống ngồn ngộn chất liệu hiện nay thuận lợi cho điều kiện sáng tác. Nhưng nói như thế nào, viết như thế nào lại phụ thuộc vào phẩm chất và tài năng của văn nghệ sĩ.

“Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người”- Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư mong muốn các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng của nhân dân.

Mà chỉ có “hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc” mới mong có một nền văn học nghệ thuật nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.

Thành Vĩnh