Cân nhắc giao việc chấm thi cho các Sở
Từ hàng loạt sai phạm trong công tác chấm thi, nhập dữ liệu điểm thi tại một số tỉnh Hà Giang, Sơn La... bị phát hiện, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD-ĐT cần cân nhắc đến vấn đề chấm thi tập trung theo cụm thay vì để các Sở tự làm như hiện nay.
Sau 4 năm thi “2 chung” với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển ĐH, nhiều ý kiến đánh giá việc tổ chức kỳ thi đã được cải thiện từng bước, trong đó khâu ra đề, coi thi đã được rút kinh nghiệm qua từng năm để phù hợp hơn. Chẳng hạn, đề Toán được đánh giá là có tính phân loại cao như năm nay đã tránh được hiện tượng cơn mưa điểm 10 như năm 2017. Hay không còn cảnh người dân náo loạn tra cứu điểm thi, thay đổi nguyện vọng loạn xạ như năm 2015...
Một kỳ thi được đánh giá là gọn nhẹ, đỡ tốn kém so với hình thức thi trước đây. Tuy nhiên, những phát sinh sau đó ở khâu chấm thi, nhập dữ liệu điểm thi tại một số tỉnh, với sự tham gia của các cá nhân, đã khiến cho kỳ thi phát sinh những lỗ hổng cần phải nghiên cứu để thay đổi.
Cụ thể, từ việc phân tích phổ điểm, các dữ liệu điểm thi..., nhiều chuyên gia đã chỉ ra những bất thường về điểm số của một bộ phận thí sinh. Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã rất nhanh chóng vào cuộc xác minh, thành lập tổ công tác điều tra... và xác định sai phạm, làm rõ những bất thường cũng như các cá nhân có liên quan.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hiện đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.
Đến nay, nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Hòa Bình, Bến Tre... cũng đã công bố kết quả chấm thẩm định và so sánh với và kết quả chấm lần 1 được công bố trước đó là hoàn toàn giống nhau. Nhưng sai phạm ở Hà Giang, Sơn La,... khiến nhiều người băn khoăn về độ khách quan, chính xác của kết quả thi được công bố.
Nhìn lại những sai phạm này, nhiều người cho rằng công tác hậu kiểm sau kỳ thi, quy trình chấm thi ở một số nơi lỏng lẻo, đến mức mà 6 giây có thể sửa được kết quả một bài thi.
Với việc giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT vẫn cần có những thay đổi để công tác tổ chức kỳ thi và chấm thi năm sau có thể phòng ngừa được gian lận.
Theo đó, đối với bài thi trắc nghiệm hiện nay, điểm hạn chế rõ ràng là bài thi không có phách như với bài thi tự luận. Việc chấm thi lại thực hiện trên file text, trên máy tính, nên rất dễ để can thiệp. Vụ việc ở Hà Giang đã là minh chứng cụ thể tiêu biểu. Nếu duy trì phiếu chấm trắc nghiệm như hiện nay thì nên để các trường ĐH chấm là phù hợp. Nếu để các Sở GD-ĐT chấm như hiện nay thì ít nhiều mỗi cán bộ đều có người thân quen, áp lực tỷ lệ đỗ trượt toàn tỉnh nên nguy cơ vi phạm là rất cao.
Trước đây, Bộ GD-ĐT đã từng tổ chức việc chấm bài thi tập trung theo cụm. Cách làm này sẽ hạn chế được tối đa những can thiệp sửa kết quả, chấm sai,... do được giám sát tập trung từ Bộ thay vì từng tỉnh làm riêng rẽ như hiện nay. Bài thi sau khi kết thúc kỳ thi được niêm phong và chuyển về nơi chấm tập trung thì sẽ không có thời gian để tạo ra những kẽ hở gian lận.
Bên cạnh việc giao bài thi cho các trường ĐH chấm, một ý kiến khác đề xuất có thể tổ chức chấm chéo giữa các địa phương (như trước đây vẫn làm) cũng sẽ hạn chế phần nào được gian lận.
Hiện Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo rà soát các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi để đảm bảo an toàn, khách quan, trung thực để các kỳ thi THPT quốc gia các năm tới sẽ tốt hơn. Dù khẳng định quy trình là chặt chẽ, đầy đủ, nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, quan trọng vẫn là việc lựa chọn con người và cách giám sát họ thực hiện quy trình này.