Bay qua cõi chết tìm về Khúc hát sông quê

Hoàng Thu Phố 29/07/2018 09:00

Gặp lại nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lần này, thấy dấu ấn của lần “đột quỵ” hồi cuối năm 2017 dường như đã không còn hiện hữu. Ông nói, ông cười, ông trêu đùa mọi người. Ông còn “khoe” ngày 10-8 tới, sẽ tổ chức đêm nhạc “Khúc hát sông quê” ngay trên quê hương của mình. Như một lời tri ân.

Bay qua cõi chết tìm về Khúc hát sông quê

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

1. Năm 2017 là một năm khó quên trong đời nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Bởi năm đó, ông làm được nhiều việc lớn với tư cách của người con, người cha, và người của công chúng. Năm đó, nhà thơ lần đầu tiên đồng ý tổ chức đêm thơ nhạc “Khúc hát sông quê” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhưng khi niềm vui còn chưa kịp khép, thì đêm 30/12/2017, ông bị tai biến mạch máu não khi đang ở quê chuẩn bị khánh thành nhà thờ họ. Lập tức ông được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An rồi 72 tiếng sau lại được chuyển ra điều trị ở BV Bạch Mai.

Nhắc lại cơn bạo bệnh năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, khi đó ông nằm xuống và tay chân không cử động được. “Tôi như một người chết vô hồn. Nhiều người đã rất lo lắng và tưởng như âm nhạc và thơ ca của tôi sẽ được chuyển sang một thế giới khác”- nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhớ lại. Nhưng đến ngày thứ 21, ông bỗng tỉnh dậy, và nhận ra “hiện thực của đời mình”. Lúc đó, cũng có khi ông bi quan, nhưng “nhờ có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mà tôi sống được. Đến giờ tôi mới thấy mình thoát khỏi tay thần chết, thoát khỏi cuộc sống quá khó khăn và phấn đấu trở về với Trọng Tạo như trước đây”.

Bây giờ thì tác giả của “Khúc hát sông quê” đã hoàn toàn tỉnh táo, đã có thể nói “có” với nhiều thứ- trừ rượu, tất nhiên. Như vậy là quá may với người bị tai biến, nhất là như ông, bị tai biến ở thùy não trái, ảnh hưởng đến khả năng sắp xếp ngôn ngữ và nói. Mà chính Nguyễn Trọng Tạo cũng thừa nhận là một cuộc bình phục “thần kỳ”, bởi như lời bác sĩ điều trị cho ông từng nói, “trong 1.000 người bị tai biến chỉ có 1 người là có thể trở về và bình phục như Nguyễn Trọng Tạo”.

2. Nguyễn Trọng Tạo là con người của thơ và nhạc. Cái chết đã cận kề nhưng cũng đã nhường ông lại cho thế gian. Và sau cơn đột quỵ, khi đôi chân vẫn còn run run tập bước, những ý nghĩ vụt lóe trong đầu ông đó lại là thơ và nhạc. Tôi vẫn nhớ đã bị ám ảnh khi đọc bài thơ đầu tiên ông viết sau những ngày bệnh tật. Bài thơ có tựa đề “Bay qua cõi chết”.

Những câu thơ như một đoạn phim thấm thía: “Bay vào cõi chết/ Tôi thấy tôi như không phải là tôi/ Tôi nói say sưa với bạn vừa gặp lại/ Bạn ngỡ tôi nói tiếng nước ngoài… Chỉ thầy thuốc tự tin và ngửi mùi sống/ Rồi một ngày tỏa hương/ Sự sống/ Những máu đông máu tan thành hy vọng/ Tiếng méo hóa thành tròn/ Bại chân thành chiến thắng/ Trí nhớ hóa lời yêu/ Òa lên/ Cảm xúc…”. Bài thơ “đầu tay” này ông viết hôm 28-2-2018, lịch âm đúng vào ngày rằm Nguyên tiêu Mậu Tuất.

Và hôm nay, một chiều cuối tháng 7, ông vui vẻ thông báo về đêm nhạc thứ hai của đời mình. Vẫn mang tên “Khúc hát sông quê” như đã từng hồi tháng 9 năm ngoái. Chỉ khác, địa điểm lần này không phải ở Hà Nội mà là ở TP Vinh quê hương ông. Tôi nhớ khi làm đêm nhạc lần đầu tiên, ông bảo chỉ làm một đêm “đầu tiên và duy nhất”. Bây giờ ông “bước qua lời thề” ấy, và công chúng thấy một Nguyễn Trọng Tạo mới mẻ, thật đáng yêu.

Dù trong đêm nhạc sắp tới, vẫn là những thơ, những nhạc đã làm nên tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo, nhưng nếu chỉ thế, cũng đã là bữa tiệc thú vị, nhất là với khán giả của sông Lam, núi Ngự. Những bài hát: Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Đồng Lộc thông ru, Khúc hát sông quê, Con dế buồn, Cỏ và mưa… hay những vần thơ của ông mà nhạc sĩ Phú Quang đã phổ: “Chia cho em một đời tôi/ Một cay đắng... một niềm vui... một buồn/ Chia cho em... một đời thơ/ Một đam mê... một dại khờ... một tôi”… bất cứ khi nào vang lên, cũng níu người ta ở lại.

Nhưng đâu chỉ có thế, Nguyễn Trọng Tạo bảo, đêm nhạc thứ hai này, ông còn có thêm những sáng tác mới, như “Cô gái sông Lam” chưa từng biểu diễn bao giờ, như bài hát mới tính tình tinh mang tên “Tình biên cương” sẽ lần đầu vang lên qua tiếng hát của NSND Thanh Hoa. Ấy là chưa kể, đêm nhạc này ông lại có sự hậu thuẫn rất đáng kể từ những người bạn, như chị Hoài Oanh - giám đốc Đông Đô show.

Chính Hoài Oanh là người kết nối mọi việc, để đêm nhạc sẽ được tổ chức ở TP Vinh, nơi nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhiều lần mong muốn được trở về bằng thơ, bằng nhạc. Một cuộc trở về với những ân tình quê hương, xứ sở, để biết đâu cũng từ đây, những cây cầu sẽ được nối tiếp. Để sẽ có những đêm thơ nhạc tiếp theo, giúp cho một thi sĩ - nhạc sĩ đã “bay qua cõi chết” đến với những vùng miền mới, mà sau Vinh người đó mong ước, chính là Bắc Ninh – nơi 40 năm trước, ông đã viết những giai điệu “Làng quan họ quê tôi” từ những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Phan Hách.

Đêm thơ nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” sẽ diễn ra vào tối 10-8 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An do đạo diễn Đinh Anh Dũng làm tổng đạo diễn, nhạc sĩ Minh Đạo làm giám đốc âm nhạc và khách mời là NSND Thanh Hoa, nhạc sĩ Giáng Son, cùng các ca sĩ đã thành danh nhờ ca khúc Nguyễn Trọng Tạo như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Phương Thanh, Lê Anh Dũng, Phương Anh, nhóm Con Gái, nhóm Cỏ Lạ, nhóm Dòng Thời Gian…

Hoàng Thu Phố