Hạn chế thiệt hại do sâu bệnh trên cây lúa
Đến nay, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành gieo cấy khoảng 75.000 ha lúa mùa, đạt gần 95% kế hoạch sản xuất; trong đó, thời điểm sau gieo cấy (từ ngày 28/6 đến ngày 17/7) đã có trên 40.700 ha nhiễm ốc bươu vàng tại tất cả các địa phương.
Kiểm tra sâu bệnh cho lúa.
Đây là loại sâu bệnh nếu không kịp thời phòng trừ sẽ gây hại nặng cho lúa mùa. Trước tình hình trên, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do loại sâu bệnh này gây ra đối với cây lúa.
Hiện, lúa mùa trà sớm của tỉnh Thái Bình đang ở giai đoạn đẻ nhanh đến đẻ rộ, lúa đại trà ở giai đoạn bén rễ hồi xanh đến đầu đẻ nhánh. Bệnh ốc bươu vàng xuất hiện từ khi gieo cấy đến sau cấy 25 ngày và đặc biệt, những ngày qua do thời tiết mưa nhiều, nước lớn là điều kiện thuận lợi cho loại ốc này sinh trưởng, phát triển.
Từ sau khi gieo cấy đến nay, gần như ngày nào bà Bùi Thị Chuối (xóm 2, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) cũng phải ra đồng bắt ốc bươu vàng hoặc phun thuốc trừ sâu diệt ốc. Bà Chuối cho biết, sau khi gieo cấy xong đã thực hiện phun thuốc trừ bệnh. Tuy nhiên, sau đó mưa kéo dài khiến ốc bươu lại tiếp tục đẻ trứng, nở rộ. Nếu không sớm phun thuốc hoặc bắt thủ công, nguy cơ ốc cắn hại lúa, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa là rất cao.
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, từ ngày 28/6 đến ngày 17/7 đã có trên 40.700 ha lúa mùa nhiễm ốc bươu vàng với mật độ phổ biến 5 - 10 con/m2, nhiều nơi diện tích bị nhiễm với mật độ cao từ 30 - 50 con/m2, cá biệt có nơi từ 100 - 300 con/m2, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa, nhất là diện tích lúa mới gieo cấy. Theo đó, diện tích nhiễm nhẹ và trung bình chiếm gần 33.000 ha, diện tích nhiễm nặng trên 7.800 ha.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết, vụ mùa năm 2018 do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa kéo dài nên tình trạng ốc bươu vàng phát sinh trên đồng ruộng của tỉnh Thái Bình với mật độ tương đối cao.
Đến nay, cơ quan chuyên môn đã có thông báo các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng với hai biện pháp chủ yếu là biện pháp thủ công và phun thuốc hóa học. Tuy nhiên, do các loại thuốc này rất độc nên trong 3-5 ngày đầu sau phun thuốc, nông dân hạn chế xuống ruộng.
Theo chỉ đạo chuyên môn, đến nay tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh ốc bươu vàng phát triển trên lúa mùa. Cơ bản 39.000 ha diện tích đã được triển khai công tác phòng trừ. Đối với diện tích mới cấy hoặc chuẩn bị gieo cấy sẽ tiếp tục được hướng dẫn phòng trừ triệt để…