Cần có cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ
Kê khai tài sản và kiểm soát kê khai tài sản đang là khâu yếu hiện nay cho nên đây là phần quan trọng nhất trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Chính vì vậy, việc cần có cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ là vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến. Bà Hà Thị Minh Tâm, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam cho rằng, nên thành lập một cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo bà Tâm khi chúng ta có cán bộ có chuyên môn sâu tại các ngành được giao nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng như: Nội chính, kiểm tra, thanh tra, công an, tòa án, kiểm sát... thì có thể lựa chọn những cán bộ có khả năng, kinh nghiệm có chuyên môn để thành lập cơ quan này. Việc này không ảnh hưởng đến biên chế.
Tuy nhiên theo bà Tâm, muốn giải quyết triệt để tham nhũng phải thực hiện cơ chế, khuyến khích người dân tự nguyện đăng ký tài sản thông qua Nhà nước và Nhà nước phải bảo hộ cho họ.
“Vì hiện nay Hiến pháp quy định tài sản của người dân được Nhà nước bảo hộ, giữ bí mật. Nếu bây giờ khuyến khích được họ tự nguyện đăng ký tài sản để Nhà nước bảo hộ, như vậy mới kiểm soát được tài sản toàn dân sau này. Nếu nhân dân không thực hiện thì rất khó. ”-bà Tâm bày tỏ.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, nên thành lập một cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Độc lập ở đây là độc lập với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước để tạo nên sự khách quan.
Ông Tiến phân tích: Mô hình này, nhiều nước trên thế giới đã làm để kiểm soát tài sản của cán bộ. Khi ứng cử vào một vị trí, chức danh nào đó thì không chỉ cơ quan quản lý nhà nước giám sát tài sản, mà kể cả các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng giám sát. Ví dụ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hay công nghiệp thì chính hiệp hội của nông nghiệp hay công nghiệp sẽ giám sát cán bộ đó từ năng lực, hoạt động cho đến tài sản của họ.
Theo ông Tiến, hiện chúng ta đã giao cho Mặt trận và các đoàn thể vai trò giám sát và phản biện xã hội. Tài sản không phải “cây kim, sợi chỉ” do đó nếu tạo điều kiện thì người dân có thể giám sát được.
“Con đường đi của tài sản bất minh rất phức tạp, tinh vi nên khâu xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật mà không tốt, tài sản sẽ được chuyển dịch cho người thân, hoặc ra nước ngoài khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Không kiểm soát được tài sản sẽ không thu hồi được tài sản tham nhũng. Đây là vấn đề nhức nhối cho nên phải kiểm soát tài sản. Do đó có một cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản là cần thiết, vì phải phòng ngừa ngăn chặn nếu không tài sản sẽ bị tẩu tán. Đồng thời có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, hỗ trợ cơ quan này”-ông Tiến bày tỏ.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong tình hình hiện nay cần xem “gốc rễ” ở đâu? Nếu chỉ đi xử lý “phần ngọn” sẽ không giải quyết được vấn đề. Do đó dù cơ quan nào thì hệ thống pháp luật cũng phải đồng bộ trong giải quyết. Ông Phương cho rằng, hàng năm cán bộ công chức đều phải kê khai tài sản, và phải thực hiện nghiêm túc, qua đó cần công khai tài sản để người dân phát hiện sự thiếu trung thực của cán bộ trong kê khai. Kê khai tài sản chỉ có một số người biết, còn người dân không ai biết được. Cho nên cần công khai bản kê khai tài sản ở cơ quan đơn vị, và khu dân cư. Trên tinh thần đó để Mặt trận và các đoàn thể, quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, giám sát cán bộ công chức về tài sản.
“Nếu công khai cho người dân giám sát thì làm sao có chuyện công trình đáng giá trăm tỷ đồng nhưng khai nghìn tỷ đồng? Công khai để cho dân giám sát chính là kiểm soát từ gốc. Hiện đối tượng kê khai rất đông, để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì phải làm trọng tâm, trọng điểm, mới ngăn chặn được. Nếu làm dàn trải sẽ khó thực hiện”-ông Phương bày tỏ.