Khẩn cấp ứng phó với ngập lụt
* Mực nước đê sông Tích, sông Bùi đang ở mức rất cao
Sáng 31/7, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 7/2018 của UBND thành phố Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm được đề cập tới tại phiên họp là tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân. Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, nước đã tràn vào nhà 2.349 hộ của 10 xã, thị trấn. Các thôn Yên Trình, Thuần Lương, xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.
Người dân ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ khẩn trương di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Quang Vinh.
Sẽ có phương án xả để giữ đê Tả Tích, Tả Bùi
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Chu Phú Mỹ cho biết: Từ ngày 17/7-21/7 trên địa bàn TP có lượng mưa xấp xỉ 300mm/h. Do lượng mưa lớn nên ở Lương Sơn, Kim Bôi nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi, một phần đê Tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn. Trước tình hình đó, Ủy ban Phòng chống lụt bão (PCTT) TP đã phối hợp chặt chẽ với huyện để tập trung xử lý, không để thiệt hại lớn, kịp thời di dời dân, cơ sở sản xuất, chăn nuôi…
Tuy nhiên, vào cuối tháng 7 tiếp tục có đợt mưa lớn, mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục dâng cao, mực nước cao hơn năm 2008, cao nhất hôm qua tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1 m; mực nước tràn qua đê Tả Bùi, Tả Tích. Trong đêm 30-7, các lực lượng đã tập trung chống tràn, trên địa bàn Chương Mỹ có 500 cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an tham gia chống tràn.
“Đến thời điểm này, mực nước đã ổn định, đến sáng 31/7 mực nước là 7,42m, xuống được 10 cm nước, tuy nhiên nước xuống rất chậm” – ông Chu Phú Mỹ thông tin.
Theo ông Mỹ, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp để khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích, đê bao, các xã của Quốc Oai, Thạch Thất, nếu nước tiếp tục lên cao sẽ báo cáo UBND TP phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi. Còn sau khi nước rút, sẽ cho xử lý sự cố tràn đê; xử lý công trình khẩn cấp trên tuyến đê sông Hồng; tập trung đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả; xử lý môi trường các khu vực bị ngập.
“Với các xã bị ngập, Ban chỉ huy, Sở NN&PTNT, các huyện đã thực hiện công tác cứu trợ, tập hợp nhu cầu thiết yếu để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm đời sống người dân” - ông Chu Phú Mỹ nói.
Khẩn trương giúp đỡ nhân dân vùng lụt
Về công tác phòng chống dịch bệnh trong khu vực bị ngập lụt, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã cử Đoàn công tác cùng với Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Mắt Hà Đông để tổ chức kiểm tra sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa lũ. Đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời, tăng cường hóa chất cho khu vực lũ. Chỉ đạo 2 bệnh viện Mắt và Da liễu Hà Đông phối hợp khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ.
“Quan điểm của Sở là nước rút đến đâu thì triển khai phòng chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó” – ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.
Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Khuất Văn Thành thông tin, các cấp các ngành đã tiến hành cứu trợ các địa bàn bị ngập lụt thời gian qua. Theo đó đã có hơn 6.300 thùng mỳ ăn liền, hơn 4.900 thùng nước, 20 tấn gạo... các tổ chức, cá nhân cũng tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước, lương khô... tại vùng ngập lụt. Về phía huyện cũng rất tích cực không để người dân vùng ngập bị ảnh hưởng đến đời sống.
Hiện tại, huyện Chương Mỹ còn 4 xã, với khoảng 1.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, đây là khu vực nằm trong vùng quy hoạch thoát lũ. Do đó, mặc dù TP đã chủ động ứng phó nhưng do lượng mưa lớn nên ngập úng vẫn xảy ra. Trong thời gian tới, các giải pháp để người dân sống chung với lũ như hệ thống cấp nước, nhà cửa, hạ tầng đi lại sẽ được TP quan tâm hơn.
Ông Nguyễn Đức Chung giao các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP tiếp tục ứng trực, ứng phó với mọi tình huống ở Chương Mỹ. Hiện nước đã rút khoảng 10 cm và đang tiếp tục rút chậm nhưng cần đề phòng tình huống có mưa lớn trở lại để ứng phó tốt hơn nữa. Các đơn vị đôn đốc cung cấp nước sạch cho người dân, tuyên truyền để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông đi lại. Khi nước rút, Sở Y tế chủ trì, giao Trung tâm Y tế dự phòng TP chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, cùng nhân dân tổ chức vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để bùng phát dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.