Cần Thơ kêu gọi đầu tư 54 dự án gần 124 ngàn tỷ đồng

Quốc Trung 01/08/2018 14:32

Đây là thông tin của Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ tại buổi họp báo ngày 1/8 về hội nghị xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ năm 2018.

Cần Thơ kêu gọi đầu tư 54 dự án gần 124 ngàn tỷ đồng

Chủ tịch Võ Thành Thống phát biểu tại buổi họp báo.

Theo đó, 54 dự án được kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Bất động sản (21 dự án); Văn hoá thể thao du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch (9 dự án); Cơ sở hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (9 dự án); kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (8 dự án); logistic và năng lượng (4 dự án); kết cấu hạ tầng văn hoá, thể thao và y tế (2 dự án); công nghệ thông tin (1 dự án).

Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 có chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”, dự kiến sẽ diễn ra ngày 10/8. Đây là cơ hội để TP Cần Thơ giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các quy hoạch, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư và các cam kết của thành phố; Giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và danh mục dự án dự kiến kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 – 2020.

Cần Thơ kêu gọi đầu tư 54 dự án gần 124 ngàn tỷ đồng - 1

TP Cần Thơ tiềm năng cho nhà đầu tư.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Hội nghị là dịp để thành phố sẽ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và các dự án kêu gọi đầu tư; tham vấn kinh nghiệm phát triển thành phố theo hướng phát triển trung tâm dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao và phát triển khoa học công nghệ. Trong 54 dự án mời gọi đầu tư sẽ được công bố tại Hội nghị có tổng diện tích 4.780ha, với nguồn vốn gần 124.000 tỷ đồng (gần 5,5 tỷ USD). Trong đó có 44 dự án đã có nhà đầu tư quan tâm, trong số 44 dự án có 22 dự án các nhà đầu tư cho biết sẵn sàng triển khai nhanh gọn nếu cơ chế chính sách của địa phương thuận lợi…

Chia sẻ thêm về dự án đầu tư logistic thời gian tới, ông Võ Thành Thống cho biết thêm: Hiện nay, các hàng hóa của Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL phải đi qua cảng Cát Lái của thành phố Hồ Chí Minh gây tốn kém về chi phí, thời gian trong khi một số hàng hóa cần sự kịp thời, đây là những trở ngại lớn cho phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL. Do đó, với lợi thế về đường bộ, đường thủy và đường hàng không nên thành phố muốn cùng với các tỉnh trong vùng khắc phục được vấn đề này bằng cách phát triển hệ thống logistic gắn với cảng biển và cảng sông. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm tại đia phương, phát triển nền nông nghiệp bền vững và là cơ hội để hỗ trợ các địa phương trong lĩnh vực này…

Quốc Trung