Người cao tuổi xứ Thanh làm kinh tế giỏi
Tỉnh Thanh Hóa có hơn 430.000 người cao tuổi (NCT), 95,4% số này hiện đang sinh hoạt trong tổ chức Hội và trên 62% NCT ở đây đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ con cháu. Bằng kinh nghiệm và thực tiễn, NCT chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương; góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Mô hình làm kinh tế giỏi của ông Nguyễn Văn Lương, xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Hội NCT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 12 nghìn NCT làm kinh tế giỏi; gần 3.900 NCT là chủ trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất kinh doanh. Không chỉ dám nghĩ dám làm, lao động sáng tạo, nêu tấm gương mẫu mực cho con cháu và thế hệ trẻ, nhiều NCT còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của tỉnh; tạo ra những chuyển biến tích cực hưởng ứng chương trình "khởi nghiệp" của Chính phủ.
Thanh Hóa hiện có 610 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN), quản lí trên 45 tỷ đồng. Tổ chức này đã tiến hành cho 13.430 thành viên vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Nhờ vậy, nhiều năm qua, ở đây có 4.375 NCT thoát nghèo, nhiều người vươn lên khá giả.
Trong phong trào "NCT làm kinh tế giỏi" đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu, như những bông hoa ngát hương lan tỏa trong vườn hoa NCT. Ông Nguyễn Đức Đủ 70 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP xây lắp Điện Thanh Hóa ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh; từ năm 2015 - 2017, doanh thu 1.770 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 700 lao động, mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng; ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, phụng dưỡng 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, kinh phí mỗi năm trên 200 triệu đồng. Ông được Chủ tịch nước; các cấp, các ngành nhiều lần khen thưởng; Công ty được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kì đổi mới.
Thương binh Nguyễn Tất Quán 67 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VLXD Bỉm Sơn cùng tập thể mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng mở phân xưởng sản xuất gạch tuynel cao cấp và dây chuyền nghiền xi măng. Năm 2017, tổng doanh thu 100,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 300 lao động, lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ủng hộ các loại quỹ 300 triệu đồng/năm. Công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, ngành đoàn thể nhiều lần khen thưởng.
Ông Nguyễn Văn Đệ 65 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hợp Lực, thành lập bệnh viện tư nhân đầu tiên ở khu vực miền Trung, trang thiết bị hiện đại; đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn cao, tâm huyết. Tổng doanh thu năm 2013 - 2017 gần 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận 15,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 500 lao động; ủng hộ 5 tỷ đồng làm từ thiện, nhân đạo. Ông được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, các bộ, ngành tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen.
Ông Hồ Sỹ Khuê, ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, làm Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp CP thương mại; kí kết hợp đồng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đầu tư giống lúa, phân bón có chất lượng cao, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Doanh số bán ra 80 tỷ đồng, lãi 2 tỷ đồng, thu hút trên 100 lao động làm việc thường xuyên. Ông còn chuyển giao các bài tập dưỡng sinh cho 8 CLB NCT; ủng hộ 300 triệu đồng xây dựng nông thôn mới, từ thiện nhân đạo...
Ngoài ra, còn rất nhiều cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi xứ Thanh đã được cấp ủy, chính quyền, cộng đồng đánh giá cao, tôn vinh khen thưởng xứng đáng.