Giải pháp nào để kéo giảm kiểm tra chuyên ngành?
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%. Để làm được điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, cần phân loại doanh nghiệp (DN), xem những DN nào dễ xảy ra rủi ro để từ đó kiểm tra.
Ảnh: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
PV:Thưa ông, Thủ tướng đã chỉ đạo phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vậy trong bối cảnh đó, theo ông cần giải pháp như thế nào để thực hiện mục tiêu trên?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Ở đây có 2 vấn đề là làm sao vừa kéo giảm kiểm tra chuyên ngành nhưng lại phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý nhà nước để chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hiện nay các quy trình kiểm tra, giám sát đã có rồi. Tuy nhiên, do việc thực hiện thông quan luồng xanh của các nước ASEAN, cũng như việc giảm thiểu kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực hải quan cho nên kiểm tra, giám sát về mặt tài chính trong nước là vấn đề lớn đặt ra đối với ngành tài chính nói chung và hải quan nói riêng. Thực tế việc kiểm tra trong hải quan đã được đơn giản hóa đến mức tối đa, nhất là việc thực hiện kiểm tra sau khi thông quan đối với hàng hóa, hay còn gọi là hậu kiểm. Cho nên làm thế nào vừa đảm bảo kiểm tra giám sát nhập khẩu cho đúng, nhưng giảm thiểu kiểm tra là vấn đề khó khăn.
Như vậy, đòi hỏi hệ thống máy móc thiết bị phải được trang bị đầy đủ, hoàn thiện hơn. Nhưng máy móc cũng chỉ là một phần, mà theo tôi phải dựa vào kinh nghiệm và kỹ năng của cán bộ để chống các mặt hàng bị cấm, nhập lậu, nguy hại đến an ninh quốc gia, văn hóa phẩm đồi trụy. Vì thế cần đề cao trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, và cần có quy trình kiểm tra, giám sát, cũng như cách thức chọn mẫu hợp lý để kiểm tra, tránh kiểm tra nhiều lần.
Muốn vậy thì cần cắt giảm, đơn giản hóa 50% thuộc danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Khi giảm được thủ tục thì quy trình sẽ nhanh hơn, thưa ông?
- Riêng trong lĩnh vực hải quan, theo tôi có thể đơn giản hóa ở việc kiểm tra những lô hàng và đối tượng có nghi ngờ, còn những đối tượng nhập khẩu hàng hóa thường xuyên thì mức độ kiểm tra có thể vừa phải, và ít hơn. Như vậy, sẽ giảm được kiểm tra chuyên ngành và giảm được mức độ vi phạm. Còn đối với cơ quan thuế thì thực sự mà nói trốn thuế trong thời gian qua rất là nhiều, với nhiều hình thức và nhiều cách. Có trường hợp bên thuế phát hiện được, nhưng có vụ thì không. Nếu kiểm tra giảm đi nhiều thì việc sơ xuất, sai sót về thuế có thể sẽ tăng lên.
Như gần đây, vụ Công ty điện máy Nguyễn Kim phải nộp thuế thu nhập cá nhân lên đến gần 150 tỷ đồng, chủ yếu là tiền nộp thuế còn tiền phạt thì không đáng kể vì là phạt lãi, phạt chậm nộp. Chỉ là phạt chậm nộp mà số tiền đã lớn như vậy rồi chứng tỏ vấn đề về thuế là không hề nhỏ. Đặc biệt việc phải hồi tố từ chục năm trước là vấn đề đau xót, nguy hiểm. Nhưng qua đó cũng cho thấy việc kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế còn nhiều góc khuất. Nhiều DN than phiền vì bị kiểm tra nhiều, nhưng nếu kiểm tra đến nơi, đến chốn, cụ thể thì tôi cho rằng không chỉ riêng Nguyễn Kim mà còn có nhiều DN khác nữa. Hiện nay nếu sờ đến thuế thu nhập cá nhân sẽ nhiều DN dính, chứ chưa nói đến vấn đề về miễn thuế, giảm thuế các loại, hóa đơn đúng hạn, quá hạn, rồi khoản khấu trừ đúng hay không đúng.
Nhiều người nhìn nhận sao kiểm tra lắm thế? nhưng bản thân mỗi cán bộ thuế phụ trách nhiều doanh nghiệp, giỏi lắm 1 năm xuống doanh nghiệp kiểm tra được 1-2 lần. Còn lấy đâu ra thời gian để kiểm tra cho nên những DN mà cán bộ xuống kiểm tra, và kiểm tra nhiều thường là DN trốn lậu thuế, hoặc có vấn đề về thuế thì mới xuống kiểm tra đi, kiểm tra lại chứ lấy đâu ra người mà kiểm tra. Cho nên mới có chuyện Nguyễn Kim từ 10 năm trước nhưng bây giờ mới phải nộp là vì thế.
Nhưng theo ông trong bối cảnh chúng ta đang tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì làm sao để việc kiểm tra, giám sát có hiệu quả? Qua đó vừa kéo giảm kiểm tra chuyên ngành nhưng lại phải đảm bảo quản lý chặt chẽ?
- Vấn đề là cần phân loại DN, xem những ai dễ xảy ra rủi ro để từ đó kiểm tra. Ngoài ra còn phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ kiểm tra, nếu hướng dẫn đầy đủ rồi mà có tình trạng trốn thuế thì phải có kiểm tra, giám sát nhất định. Để từ đó thời gian kiểm tra ngắn xuống nhưng có thể phát hiện được những vấn đề “khuất” mà DN có thể trốn.
Bên cạnh đó, việc kê khai của DN cũng rất quan trọng. Cho nên vai trò của cán bộ trong tuyên truyền hướng dẫn các DN kê khai thuế, và hướng dẫn họ thực hiện nộp thuế. Vì thế nếu hướng dẫn tốt DN cứ thế mà làm theo và giảm được các thủ tục, còn nếu làm sai phải xử phạt nặng. Đã phạt phải phạt cho ra phạt, chứ ù ơ khiến cho DN lấy cớ để trốn là không được. Trách nhiệm đầu tiên cũng như cuối cùng về việc nộp thuế là của DN vì anh tự kê khai, tự tính thuế và tự nộp thuế. Cho nên nếu sai, phải chịu trách nhiệm, chứ không có chuyện bảo không biết.
Do đó, Luật Thuế phải có chế tài, đủ sức răn đe, lúc đó họ phải tự nhận thấy trách nhiệm vì sai bị phạt gấp 2-3 lần số trốn thuế thì tự khắc sẽ có thay đổi. DN lúc nào cũng kêu sao phạt cao thế? nhưng đó là phạt người sai, còn người làm đúng có ai phạt đâu. Quan trọng là chúng ta không nên “dĩ hòa vi quý”, vì thuế là tính pháp lý của nhà nước đối với doanh nghiệp và xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!