Nhượng quyền thương mại: Doanh nghiệp nội không mặn mà
Nhượng quyền thương mại đang chuyển động khá nóng nhưng dường như chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp (DN) ngoại. Với DN nội, câu chuyện nhượng quyền thương mại dường như vẫn đang còn mới mẻ, hay nói đúng hơn, các DN Việt khá e dè với lĩnh vực này. Tính đến nay, số DN Việt Nam được cấp phép nhượng quyền thương mại là rất hãn hữu.
Doanh nghiệp ngoại sôi động
Theo Bộ Công thương, kể từ đầu năm đến nay, Bộ này đã cấp phép cho 10 công ty nước ngoài hoạt động nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, nhưng nếu tính chung cả năm 2017 đến nay, đã có khoảng 206 DN nước ngoài được cấp phép với hơn 100 thương hiệu, nhãn hiệu thuộc nhiều ngành khác nhau.
Trong khi đó, phía Việt Nam số DN tham gia vào lĩnh vực này và được cấp phép hoạt động nhượng quyền thương mại ra nước ngoài, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay: 3 DN. Dường như các DN Việt đang khá bỡ ngỡ với lĩnh vực này, do đó hoạt động vô cùng dè dặt.
Đánh giá về câu chuyện này, giới chuyên gia nhận định, sở dĩ hoạt động này sôi động ở khu vực các DN nước ngoài là bởi Việt Nam có nhiều điểm thu hút: Tỷ lệ dân số trẻ cao, thích nhu cầu trải nghiệm và mua sắm mới, sức mua tốt. Mặt khác, với tốc độ tăng trưởng GDP đứng vào hàng cao nhất thế giới trong nhiều năm liền, Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn của các nhà kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về phát triển thương hiệu, tại các nước phát triển, nhượng quyền là một trong những lĩnh vực được các ngân hàng, tổ chức tài chính tích cực cho vay tín chấp, từ cho vay vốn đầu tư dự án (lên đến 70% tổng vốn đầu tư) tới cho vay vốn lưu động để phát triển kinh doanh.
Nhiều trường hợp, DN nhượng quyền cho đối tác nhận nhượng quyền vay vốn khi họ cần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống. Còn tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có một tổ chức tín dụng nào công bố cho vay tín chấp trong lĩnh vực nhận nhượng quyền thương hiệu.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện khá dày đặc những thương hiệu nước ngoài. Hàng loạt những chuỗi cửa hàng tiện lợi, trà sữa, cà phê, đồ may mặc… đều là “con đẻ” của hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, chủ yếu các “phi vụ” được thực hiện bởi các DN ngoại với những tên tuổi như Costa International Limited (Anh) kinh doanh chuỗi cà phê Costa; ITX MERKEN, B.V (Hà Lan)
Doanh nghiệp nội dè dặt
Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhượng quyền cũng giống như “con dao 2 lưỡi”, nếu không lựa chọn kỹ càng đối tác và việc giám sát hoạt động bị buông lỏng, không kiểm soát được nguồn hàng cũng như cung cách phục vụ, sẽ khiến cho toàn hệ thống bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do vì sao hoạt động này khá ảm đạm đối với các DN trong nước. Các DN lớn, dù có bề dày kinh nghiệm, vốn lớn vẫn còn đang ở tình thế “vừa làm vừa dò xét, rút kinh nghiệm”.
Tuy nhiên, đây là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập nên lời khuyên của giới chuyên gia là các DN Việt cần phải tìm hiểu và thích nghi.Theo bà Nguyễn Phi Vân, mô hình kinh doanh nhượng quyền yêu cầu DN phải xây dựng nền tảng, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực khá chắc chắn trước khi nhượng quyền. Nếu Việt Nam không có mô hình và thương hiệu chuyên nghiệp thì sẽ rất khó để có thể thành công trong lĩnh vực này.
Nhằm giúp các DN trong nước tận dụng cơ hội hội nhập để phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại, chuyên gia thương mại Hoàng Thị Thúy (Đại học Thương mại) cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trọng tâm, tạo điều kiện cho DN nhận được những khoản ưu đãi về vốn để DN trong nước tạo dựng thương hiệu và thị trường ra bên ngoài. Đặc biệt, cần chú trọng các chương trình đào tạo về nhượng quyền thương mại trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
Về phía DN, theo bà Thúy, cần xác định được tính khả thi của mô hình nhượng quyền đối với ngành nghề mình đang kinh doanh, tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực DN trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền. Và quan trọng là phải xây dựng nền tảng hỗ trược thiết yếu trong nhượng quyền bao gồm nền tảng thương hiệu và tiếp thị, nền tảng vận hành và cung ứng, nền tảng nhân lực…
“Nếu DN vội vàng nhượng quyền mà thiếu đi sự chuẩn bị những nền tảng nói trên, rủi ro là rất lớn” – bà Thúy nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến nay, có khoảng 200 công ty nước ngoài thực hiện nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, trong đó có tới 40% là các thương hiệu chuyên về thực phẩm và đồ uống (F&B). Nếu chỉ tính riêng năm 2017, có tới 31 công ty nước ngoài đăng ký nhượng quyền thương mại ở Việt Nam. Các công ty này chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực F&B, giáo dục, hàng tiêu dùng… |