Lai Châu: Nhiều biện pháp khôi phục sản xuất sau lũ
Trận mưa lũ từ cuối tháng 6 vừa qua, đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người, tài sản và hoa màu trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân, tỉnh đang chú trọng công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi bị hư hỏng, góp phần nhanh chóng đảm bảo an ninh thương thực trên địa bàn.
Bà con khắc phục mưa lũ để khôi phục sản xuất.
Huyện Tân Uyên là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề do trận mưa lũ vừa qua gây ra. Quang cảnh sau lũ tại huyện Tân Uyên tan hoang, ngổn ngang với đất đá và rác rừng. Các thửa ruộng màu mỡ dọc hai bên những dòng suối trước kia giờ đã bị dòng lũ dữ cuốn phăng chỉ còn trơ lại đá cuội, thậm chí đã trở thành lòng suối. Toàn huyện có hơn 400 ha cây cối, hoa màu bị thiệt hại, trên 20 ha ruộng bị sạt lở.
Gia đình chị Điêu Thị Phức ở bản Pắc Ta, xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) có 9.000 m2 ruộng trong đó 1/3 là lúa muộn đang chín chưa kịp gặt, đã bị mất trắng, đất đá vùi lấp; còn lại là diện tích lúa mới cấy cũng bị đất đá vùi lấp. “Bây giờ, gia đình tôi chẳng biết lấy gì mà ăn. Mong Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền quan tâm, hỗ trợ gia đình tôi cũng như bà con khác trong bản bị thiệt hại, để sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống”, chị Điêu Thị Phức bày tỏ.
Để giúp nhân dân khôi phục sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con thu hoạch tận thu diện tích lúa, ngô bị vùi lấp. Đối với diện tích mạ, lúa mới cấy bị vùi lấp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành hỗ trợ giống để gieo cấy cho kịp thời vụ.
Những hộ gia đình có gia súc bị cuốn trôi, huyện sẽ tiến hành rà soát để có những hỗ trợ kịp thời theo các chương trình, Nghị định của Chính phủ. Ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết, trước tình hình thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường lực lượng xuống cơ sở hướng dẫn bà con tận thu những diện tích có thể thu hoạch được. Đối với diện tích đã bị thiệt hại hoàn toàn, đặc biệt là diện tích lúa mới cấy và mạ, đơn vị sẽ hướng dẫn, hỗ trợ bà con lúa giống để tập trung gieo cấy và gieo mạ, đặc biệt là thực hiện biện pháp gieo xạ để phục vụ vụ mới kịp thời.
Đối với diện tích lúa bị vùi lấp hoàn toàn và diện tích khôi phục được, huyện sẽ hỗ trợ nhân dân san gạt, cải tạo lại ruộng để tiếp tục gieo cấy; với những diện tích lúa không khôi phục được, thực hiện chuyển đổi cây trồng là trồng ngô và hoa màu.
Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, Lai Châu có hơn 60 công trình thủy lợi bị hư hại năng nề; hơn 1.000 ha lúa, ngô và hoa màu bị bị cuốn trôi và vùi lấp; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Lai Châu đang yêu cầu các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các biện pháp đồng bộ để giúp nhân dân khôi phục sản xuất như: tiến hành bổ sung giống mới, thu dọn rác thải, đắp lại bờ ruộng; tiến hành cầy ải cho kịp thời vụ, trồng ngô, cây ngắn ngày trên các diện tích đất cát bị vùi lấp không thể cải tạo; chỉnh trị dòng để bảo vệ đồng ruộng hai bên các dòng suối… Ngoài ra, đối với các công trình thủy lợi, kênh mương bị đất đá vùi lấp, sẽ xử lý bằng cách đắp đất, kè đá tạm thời.