Lâm Đồng muốn tăng nguồn thu từ du lịch nhờ đặc sản nông nghiệp
Đó là nội dung được đưa ra tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững: Thực trạng và giải pháp” do Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp cùng Tạp chí Cộng sản tổ chức tại TP Đà Lạt ngày 3/8.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc.
Hội thảo thu hút các lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch lữ hành ở các tỉnh, thành phía Nam tham dự, cùng chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch gắn với các lợi thế từ ngành nông nghiệp của mỗi địa phương.
Tại hội thảo, tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, trong nhiều năm qua thì Lâm Đồng là địa phương cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho cả nước, nhất là TP HCM. Lợi thế này của Lâm Đồng là rõ ràng, do có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt màu mỡ. Đối với ngành du lịch, Lâm Đồng đang phát triển loại hình du lịch canh nông, là sản phẩm du lịch mới, tăng được thời gian lưu trú của du khách. Thông qua du lịch canh nông, các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty lữ hành nắm được nhu cầu của du khách để hoàn thiện tạo sản phẩm độc đáo phục vụ du khách ngay mà không phải tốn nhiều chi phí.
Thống kê loại hình du lịch canh nông giúp riêng phường 5 của TP Đà Lạt đón trên 1,0 triệu lượt khách mỗi năm, lớn nhất trong số các điểm du lịch canh nông ở Việt Nam và tương đương với một số điểm du lịch nông nghiệp trên thế giới.
Còn theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong nghiên cứu thì các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự phát triển bền vững của ngành du lịch phải dựa trên các nền tảng tốt từ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, với kinh nghiệm đã được các tỉnh vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ thực hiện có hiệu quả.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn trình bày báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc.
Theo ông Huấn, loại hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Một trong những thuận lợi rất lớn để các địa phương nghiên cứu mô hình này, bởi Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển du lịch, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Thách thức lớn nhất hiện nay, theo PGS.TS. Đoàn Minh Huấn là mô hình du lịch canh nông ở một số địa phương còn mang tính tự phát, chưa thực hiện theo quy hoạch. Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, trong khi chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư;...
Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Bình Thuận, TS Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, điều rất quan trọng là xây dựng được thương hiệu của các đặc sản địa phương. Chẳng hạn, ở Bình Thuận có sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, tài nguyên, sản phẩm nông nghiệp, mà tiêu biểu và đặc trưng là thanh long. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Bình Thuận đã phát triển sản phẩm nông nghiệp có tính đặc thù địa phương này, gắn với phát triển du lịch trong thời gian qua.
Tại Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, hiện nay tỉnh đang chú trọng thế mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển và đặc thù là tài nguyên du lịch nhân văn và sinh thái, kết hợp với làng nghề truyền thống. Bến Tre có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, sạch, an toàn với mẫu mã đẹp để phục vụ cho khách du lịch.
Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, kinh nghiệm của tỉnh này là có hệ sinh thái rừng Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và là Khu RAMSA duy nhất đến thời điểm này của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Cà Mau đã nhanh chóng tận dụng cho phát triển du lịch và đem lại các hiệu quả rất tích cực.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc.
Ông Trần Huy Đường, đại diện trang trại Langbiang Farm chia sẻ, Lâm Đồng đang đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, trong đó quá trình làm nông nghiệp cũng sẽ hạn chế tự phát, thiếu kinh nghiệm, mà phát triển đi theo hướng khác biệt trong đầu tư và kinh doanh. Đó là vừa trồng rau, củ, quả, hoa kết hợp với mô hình cà phê để du khách đến tham quan và mua trái cây, rau tại vườn…. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho người nông dân hàng chục tỷ đồng/năm.
Để du lịch phát huy lợi thế, các chuyên gia, nhà khoa học cũng khuyên Lâm Đồng và một số tỉnh nên chú ý đồng bộ các giải pháp trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách mang tính đặc thù, có tính khả thi cao, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nguồn vốn… để khuyến khích đầu tư, tạo dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tiểu biểu, các mô hình du lịch quy mô nhỏ, vừa.
Các khuyến nghị cũng cho rằng, vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn cần được các địa phương quan tâm nhiều hơn để cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng, từ đó thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách, không phải theo xu hướng mình có cái gì, phục vụ các đó như thời gian qua.