Ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất: Vì sự an toàn của người dân
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, lưu lượng nước đến hồ Lai Châu, Sơn La tiếp tục tăng nhanh, ngày 4/8, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Công điện gửi Công ty Thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La. Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 27 về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất.
Bộ đội Biên Phòng khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích do sạt lở tại xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu).
Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở
Ngày 4/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã phát đi công điện, đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Phú Thọ, Thái Nguyên; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bộ: TNMT, NNPTNT, Công thương, Quốc phòng, Công an, TT-TT, GTVT... thực hiện việc theo dõi diễn biến mưa lũ và thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất bằng mọi hình thức một cách kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh.
Đối với các địa phương, UBND (tới cấp xã), Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt triển khai kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những khu vực dân cư đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian vừa qua. Tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường giao thông bị ngập, có nguy cơ xảy ra đá lăn, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Mưa lũ làm nhiều nơi vùng núi cao phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng.
Riêng với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN 2 tỉnh Sơn La, Hoà Bình bằng mọi biện pháp khẩn trương tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh trên sông, ven sông, đặc biệt tại các vị trí đã xuất hiện dấu hiệu sạt, lún đất; cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, phương tiện vận tải thuỷ... để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản. Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để chủ động ứng phó. Sẵn sàng phương án di dời lồng bè, dân cư ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn; hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai ứng phó giảm thiệu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.
Cũng trong ngày 4/8, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 28 gửi Công ty Thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La; lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, Sơn La: mở 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 8h ngày 5/8; mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La vào 10h ngày 5/8. Lúc 14h ngày 4/8, Thủy điện Tuyên Quang cũng đã mở 1 cửa xả đáy.
Nước sông Hồng, sông Chảy lên cao
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ đêm 4/8 ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Trong 2 ngày 5 và 6/8, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao, sông Lô sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4 m. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Người dân tại bản Nhóm 1 xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu) ngóng trông người thân bị mất tích trong vụ sạt lở đất.
Ngày 4/8, tại Lào Cai, mưa to tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), lượng mưa 24,8 mm; xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) trên 37 mm. TP Lào Cai mưa to với lượng 97 mm. Mưa trên diện rộng kết hợp với nước từ thượng lưu đổ về gây lũ cao trên sông Hồng, sông Chảy đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai.
Nhà máy thuỷ điện Bắc Hà (trên sông Chảy) buộc phải chạy 2 tổ máy và xả tràn với lưu lượng là 687 m3/s.
Tại tỉnh Điện Biên, thông tin từ Bệnh viện đa khoa thị xã Mường Lay cho biết, các nạn nhân trong vụ tai nạn đá lăn đè vào xe khách xảy ra lúc 17h10 ngày 3/8 tại Km98, Quốc lộ 12 đoạn chạy qua thị xã Mường Lay đã hồi tỉnh và qua cơn nguy kịch. Trong số 7 ca chấn thương nhập viện chiều qua có 4 ca nặng vì bị chấn động não, tróc da rộng ở vùng đầu và trật khớp vai.
Một nạn nhân được các lực lượng chức năng cứu sống trong vụ sạt lở đất đang điều trị tại Trạm xá xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu).
Trước đó, như tin đã đưa, do mưa lớn từ đêm 2 đến trưa ngày 3/8, trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã có 6 người chết, 5 người mất tích, 2 người bị thương; 7 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Mưa lũ cũng gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Dào San - Sì Lờ Lầu gây ách tắc giao thông; gây ngập úng nhiều diện tích lúa. Nhiều hộ dân ở các xã khu vực ven sông, suối phải di dời khẩn cấp.
Trong ngày 4/8, chính quyền địa phương, cùng các lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng, Đoàn kinh tế Quốc phòng 356 đóng trên địa bàn tỉnh Lai Châu khẩn trương tìm kiếm người mất tích, bị vùi lấp trong đất đá, đồng thời hỗ trợ giúp các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở ở xã Mù Sang và Vàng Ma Chải đến nơi ở an toàn.