25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Israel: Thành tựu và cơ hội
Mặc dù mới thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 nhưng xét trong chiều dài lịch sử, mối liên kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Israel đã được hình thành từ ngay những ngày đầu lập quốc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc gặp gỡ với Lãnh tụ lập quốc, Thủ tướng đầu tiên của Israel Ben Gurion đã ngỏ ý sẵn sàng để người Do Thái thành lập Chính phủ lưu vong tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón Tổng thống Israel trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 3/2017.
Xuất phát từ vốn chính trị quý báu đã được các lãnh tụ lập quốc của hai nước đặt nền móng và các thế hệ Lãnh đạo không ngừng vun đắp, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã liên tục có những bước phát triển vượt bậc.
Việc Israel mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào năm 1993 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv vào năm 2009 không chỉ đơn thuần đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc còn giúp đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực khác.
Về chính trị, các hoạt động trao đổi đoàn các cấp được triển khai rất tích cực trong thời gian gần đây, trong đó tiêu biểu phải kế đến hai chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Israel Shimon Peres (2011) và Tổng thống Israel Reuven Rivlin (2017).
Về phía ta, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (2016) và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (2018) cùng nhiều Lãnh đạo Bộ/ngành đã thực hiện chuyến thăm tới Israel. Điểm đặc biệt trong quan hệ hai nước là các hoạt động trao đổi đoàn được triển khai rộng khắp trên cả bốn kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và địa phương.
Về kinh tế, tuy Israel là một thị trường nhỏ với hơn 8,5 triệu dân song với trình độ và mức thu nhập đầu người cao (lên đến 42.000 USD thu nhập bình quân đầu người một năm), giữa Việt Nam và Israel có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương.
Israel là thị trường nhập khẩu lớn thứ 44 trên thế giới có nền kinh tế thị trường tự do, coi hoạt động ngoại thương là động lực phát triển và là cốt lõi của nền kinh tế.
Lợi thế trong hợp tác kinh tế song phương là nền kinh tế hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau, do đó trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel tăng trưởng đều trong những năm qua và trung bình đạt hơn 1 tỷ USD/năm, hai nước có có tiềm năng rất lớn đạt mục tiêu 3 tỷ USD về thương mại song phương trong thời gian tới.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt điều nguyên liệu và chế biến, giày dép và may mặc hiện đã chiếm chiếm thị phần khá lớn tại Israel (ước khoảng từ 10-20%), cá ngừ nằm trong top 3 nhà xuất khẩu cá ngừ chế biến...
Điểm nhấn quan trọng khác trong hợp tác giữa hai nước thuộc về lĩnh vực khoa học-công nghệ. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra với tốc độ vũ bão trên toàn cầu và Chính phủ của ta chủ động, đưa ra các giải pháp thiết thực để nắm lấy cơ hội này tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông, Israel vốn được cả thế giới biết đến với biệt danh “Quốc gia khởi nghiệp” với thế mạnh về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ cao là một đối tác quan trọng của ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay là một trong những điển hình về mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ... giữa Việt Nam và Israel. Mặc dù là nước nông nghiệp trong những năm gần đây nền nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với rất nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu toàn cầu, mà ảnh hưởng rõ rệt đang diễn ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới về số lượng, hình thức, chất lượng, chủng loại nông sản…
Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp rất thành công của mình, nền nông nghiệp công nghệ cao của Israel có thể hỗ trợ Việt Nam rất tốt để giải quyết vấn đề thiếu nước cho nông nghiệp và sinh hoạt, nâng cao năng suất nông sản và cải thiện giống cây trồng, cải thiện chất lượng bảo quản sau thu hoạch…qua đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thế giới.
Kết quả hợp về nông nghiệp công nghệ cao giữa hai nước trong thời gian qua rất khả quan, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu hiện nay ở Việt Nam đều có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Israel như: dự án hợp tác trồng rau sạch trong nhà kính tại Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Củ Chi và nhiều tỉnh khác của Công ty VinEco thuộc tập đoàn Vingroup, sử dụng với công nghệ Israel (công nghệ nhà kính, công nghệ sản xuất rau mầm...); dự án Công ty TH True Milk đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Nghĩa Đàn - Nghệ An…
Ngoài nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, internet vạn vật, an toàn an ninh mạng, thành phố thông minh, y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo, quản lý ác thải… cũng là các lĩnh vực mà Israel có thế mạnh và Việt Nam đang quan tâm và là các lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng về chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan của của hai nước.
Bước sang năm 2018, năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và ngay trước thềm Hội nghị ngoại giao 30, nhằm tạo sức bật cho hợp tác kinh tế giữa hai nước và lập thành tích thi đua hướng tới Hội nghị ngành, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phối hợp với các cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Israel tại Hà Nội, Phòng thương mại và công nghiệp, Viện Xuất khẩu...tích cực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại đầu tư ... nhằm tranh thủ lôi kéo các nhà đầu tư, kết nối doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm Việt Nam sang thị trường Israelnhư: Diễn đàn thương mại-đầu tư Việt Nam – Israel trong khuôn khổ Hội chợ nông nghiệp Agritech (5/2018), Hội thảo giao thương hợp tác thương mại Việt Nam Israel giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và đối tác phân phối lớn tại Israel (5/2018), Tọa đàm doanh nghiệp giữa Phó Trưởng Ban đối ngoại TƯ Đảng và Lãnh đạo 10 địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp vùng Nazareth và chuyến thăm đáp lễ của Phó Thị trưởng Nazareth cùng đoàn doanh nghiệp thành phố dự Hội thảo “Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy, sản sang khu vực Trung Đông - Châu Phi” và trao đổi về khả năng xuất khẩu tôm, hải sản của tỉnh Bạc Liêu (7/2018)...
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư, các doanh nghiệp hai nước không chỉ được cung cấp thông tin đầy đủ về môi trường đầu tư - kinh doanh tại mỗi nước mà còn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu thêm về các đối tác, mở đường cho tiến tới ký kết các hợp đồng hợp tác cho các dự án chung cụ thể.
Có thể nói nhìn lại chặng đường 25 năm phát triển quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước Việt Nam và Israel, tuy xa cách về địa lý với sự tương đồng về lịch sử và sự tôn trọng, tin cậy giành cho nhau, hai nước đã đạt được những thành tựu hợp tác hết sức đáng tự hào về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư... đưa Israel trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Trong thời đại bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn khi Israel là một cường quốc về khoa học công nghệ trên thế giới và Việt Nam đang hướng đến việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào mọi mặt của đời sống, sản xuất nhằm tạo đột phá, hướng đến xây dựng một nền kinh tế hiện đại, tiên tiến, phát triển bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân.
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai gần được kỳ vọng tạo ra những động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch.., đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Cao Trần Quốc Hải