Tăng cường kiểm tra, giám sát trại nuôi hổ ở Thọ Xuân, Thanh Hóa
Liên quan đến việc trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang nuôi giữ 11 cá thể hổ, ngày 6/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương và các cá nhân có liên quan tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát trại nuôi hổ.
Các cá thể hổ trong cơ sở nuôi nhốt của ông Nguyễn Mậu Chiến. Ảnh: ENV.
Theo đó, trong thời gian chờ liên hệ với các trung tâm cứu hộ, cơ sở nuôi hổ có điều kiện tiếp nhận 11 cá thể hổ đang được gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội) nuôi giữ tại xã Xuân Tín, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã đề nghị UBND huyện Thọ Xuân, UBND xã Xuân Tín, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân, chủ trại nuôi hổ... tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, khuyến cáo người dân không nên đến gần khu vực trại đang nuôi hổ, đề phòng tai nạn rủi ro.
UBND huyện Thọ Xuân, UBND xã Xuân Tín thành lập tổ công tác để tuyên truyền, vận động chủ trại nuôi tự nguyện chuyển giao 11 cá thể hổ cho các trung tâm cứu hộ hoặc cơ sở nuôi đủ điều kiện. Định kỳ 1 tuần/lần tổ chức kiểm tra, địa phương giám sát chủ trại nuôi hổ thực hiện chế độ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người nuôi và cộng đồng cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, thú y, phòng ngừa dịch bệnh...
Chủ trại nuôi tuyệt đối không tự ý mua, bán, tặng, cho, đổi (đánh tráo), giết mổ, vận chuyển trái phép 11 cá thể hổ đang nuôi nhốt cho đến khi có đơn vị tiếp nhận và thực hiện chuyển giao. Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc nếu hổ bị đau ốm, chết bất thường hoặc các diễn biến khác, chủ trại nuôi hổ phải kịp thời báo cáo cho UBND xã Xuân Tín hoặc cơ quan kiểm lâm để cùng tìm hướng xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, cơ sở nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tiếp nhận, chuyển giao 11 cá thể hổ tại trại nuôi hổ xã Xuân Tín để bảo tồn, giáo dục môi trường.
Trước đó, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến về việc gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến đề nghị được tiếp tục nuôi 11 cá thể hổ. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2018, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản trả lời đề nghị của tỉnh Thanh Hóa sẽ không cấp giấy chứng nhận thành lập cơ sở bảo tồn sinh học và giấy phép nuôi hổ tại trại nuôi hổ xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân; đồng thời, vận động chủ trại nuôi chuyển giao số hổ này cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc cơ sở nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cuối năm 2006, ông Nguyễn Mậu Chiến mua đàn hổ con do người dân bắt được từ Lào mang về và đưa về nhà nuôi nhốt tại xóm 27, xã Xuân Tín. Việc mua, nuôi nhốt số hổ trên không có giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khi phát hiện đàn hổ nuôi nhốt trái phép này, năm 2007 - 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký 2 quyết định số 1505 và số 2320 xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Mậu Chiến vì nuôi nhốt hổ trái phép.
Các quyết định xử phạt đã giao cho ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Văn Tư (là người nhà ông Chiến) tiếp tục nuôi nhốt đàn hổ và lập phương án nuôi nhốt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên nguyên tắc nuôi nhốt phải đảm bảo điều kiện an toàn cho người nuôi và nhân dân trong vùng, an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi, kiến thức khoa học trong chăm sóc, nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn loài động vật này; đưa vào hệ thống quản lý, theo dõi thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Từ tháng 3/2011 đến nay, gia đình ông Chiến đã được huyện Thọ Xuân cho thuê 7,6 ha đất (thời hạn 50 năm) tại khu vực cồn Tàu Voi - xã Xuân Tín để xây dựng trại nuôi nhốt hổ. Năm 2012, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã hướng dẫn hộ gia đình xây dựng phương án gây nuôi theo quy định và được các đơn vị có liên quan thống nhất phương án. Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận trại nuôi có thời hạn 5 năm, đến ngày 22/5/2017 đã hết hạn giấy chứng nhận và cho đến nay vẫn chưa được cấp mới, gia hạn. Ngày 27/6/2017, trong báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra và giải quyết đề nghị nuôi hổ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa khẳng định trại hổ tại xã Xuân Tín không đạt được mục đích là nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn do số cá thể hổ cái tại trại nuôi không sinh sản, không có tác dụng giáo dục môi trường, giáo dục thiên nhiên hay nghiên cứu khoa học.