Giữ lấy Tình yêu
Akhmatova là một bậc tài hoa và nhan sắc. Xưa nay, phụ nữ đẹp dù ở phương Đông hay phương Tây thì đều “hồng nhan bạc mệnh”. Một mỹ nhân mà lại có tài nữa thì hiển nhiên “tài tai hai chữ một vần”.
1. Xưa nay vẫn có hai quan niệm luyến ái. Thứ nhất, khá phổ biến, rất thông thường: vắng trăng, có sao, đừng “già kén kẹn hom”. Những ai nghĩ theo cách này, dễ được gia đình yên ấm, vì từ cái cần dần làm nẩy sinh cái nghĩa, từ cái nghĩa vẫn có thể sinh ra cái tình, lắm khi khá sâu đậm, bền chặt... Nhất là ở những nước mà điều kiện sống khó khăn, trong những hoàn cảnh chật vật về cơm áo gạo tiền, khi con người ta cần hơn cả là sự chung lưng đấu cật thì nghĩ theo cách này càng có lý. Khổ cho những ai nghĩ khác.
Có một lớp người không hiểu vì sao cứ khăng khăng khẳng định rằng, trên trái đất mênh mông có hàng tỉ người này, họ chỉ phải duyên, phải số với một ý trung nhân duy nhất. Bởi vậy nên mới có cảnh “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội và thất bát đèo cũng qua”. Như thể đã nợ nhau từ kiếp trước nên kiếp này không trả không xong!
Theo dòng suy nghĩ này, tôi bỗng nhớ tới một bài thơ nhỏ (nhưng tình sâu) của nữ sĩ Nga Anna Akhmatova. Bài thơ như sau:
“Em biết, anh là phần thưởng cho em
Vì những năm đớn đau và vất vả,
Vì em đã chẳng bao giờ chấp nhận
Những niềm vui trần tục dễ phôi pha,
Vì em đã chưa bao giờ thỏ thẻ
Dẫu một lần với ai đó “Yêu anh!”,
Vì em đã thứ tha cho mọi người mọi sự ,
Với riêng em, anh sẽ hoá thiên thần!”
Akhmatova là một bậc tài hoa và nhan sắc. Xưa nay, phụ nữ đẹp dù ở phương Đông hay phương Tây thì đều “hồng nhan bạc mệnh”. Một mỹ nhân mà lại có tài nữa thì hiển nhiên “tài tai hai chữ một vần”. Không có gì lạ nếu người phụ nữ tưởng chừng có đủ mọi điều kiện để trở thành một mệnh phụ quí phái, sống êm đềm trướng rủ màn che như Akhmatova lại phải đoạn trường đến thế trong đời sống tình cảm (Đấy là chưa kể đến những biến động xã hội rung chuyển thế giới của thời đại bà đã sống). Nhưng nếu trong cảnh đoạn trường, mệt mỏi rồi mà người đàn bà cam chịu số phận, để mặc bèo trôi nước chẩy thì chuyện cũng chẳng có gì lạ và cũng chẳng có gì đáng nói.
Trong bài thơ trên, người phụ nữ không chịu phận nữ nhi thường tình. Đó là một phụ nữ đầy lòng kiêu hãnh và ý thức được rất rõ giá trị của tình yêu. Chính vì thế nên dù phải sống với “những đớn đau và vất vả”, nàng vẫn “chẳng bao giờ chấp nhận, những niềm vui trần tục dễ phôi pha...”. Làm một phụ nữ cao quí trong hạnh phúc cũng không dễ như người ta vẫn tưởng. Trong cô đơn và không may mắn, mà vẫn giữ được phẩm giá của mình càng khó khăn hơn. Người phụ nữ trong thơ bài thơ của Akhmatova đã sống với nỗi niềm của mình một cách đầy tự trọng. Nỗi niềm của người đàn bà đích thực chờ đợi tình yêu lớn lao tới mức nàng đã “đã thứ tha cho mọi người mọi sự”. Ai bảo đàn bà thường hay chấp nhặt?!
Đã sống giữ lòng mình như thế nên khi gặp được ý trung nhân duy nhất, nàng mới có cái nhận thức vừa mãn nguyện vừa đượm chút mệt mỏi như Akhmatova đã mở đầu bài thơ: “Em biết, anh là phần thưởng của em...” Người ta vẫn bảo rằng, người đàn bà may mắn là người luôn được tình yêu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Người đàn bà trong bài thơ Akhmatova để có tình yêu phải qua đủ cảnh lửa, nước và ống đồng. Nàng không may mắn chăng? Có thể, nếu nhìn theo một cách nào đó. Nhưng vàng lộ tuổi khi thử lửa, người phụ nữ được sáng lên phẩm giá khi từng trải.
Cái quan trọng là ta đã chấp nhận những từng trải đó như thế nào. Ở khía cạnh này, ai dám bảo người phụ nữ trong bài thơ của Akhmatova là người kém may mắn? Và vì thế nên ta tin rằng, với sức mạnh con tim và tấm lòng từng được tôi luyện qua những đoạn trường, nàng có thể giúp cho ý trung nhân của mình “hoá thiên thần”. Tình yêu đích thực nâng giá con người lên vô hạn. Và đó là hạnh phúc, ngay cả khi có chút muộn mằn…
2. Thất tình bao giờ cũng buồn. Phụ nữ bị thất tình càng buồn hơn. Akhmatova đã có lần viết trong tâm trạng buồn đó:
“Tim chẳng thể ép vào tim được,
Nếu định rồi, xin chớ tơ vương.
Nhiều hạnh phúc đang chờ đón kẻ,
Không có chi ràng buộc trên đường.
Tôi không khóc, tôi không than trách,
Tôi làm sao hạnh phúc trong đời!
Đừng hôn tôi, người đàn bà mệt mỏi,
Cái chết rồi sẽ đến hôn tôi.
Thời mê đắm tan thành dĩ vãng
Cùng những ngày tuyết trắng lung linh...
Nhưng vì sao, vì sao anh nỡ
Hơn người tôi đã chọn cho mình?”
Đó là tâm trạng của một thiếu nữ tuổi chớm đôi mươi, nhắn gửi cho người trai vừa ruồng rẫy mình xong. Khúc tưởng niệm cho một tình yêu đã mất. Tôi cứ hình dung ra hình ảnh một thiếu nữ kiêu hãnh và đài các (còn về phần nhan sắc dĩ nhiên là xinh đẹp rồi) cố kiềm chế cơn giận dữ đang réo sôi trong lòng mình và nói ra những lời cao thượng (thực ra, rất dằn dỗi) với gã trai đang định dứt áo ra đi để mưu cầu công danh sự nghiệp hay cảnh phu thê khả dĩ hơn:
“Tim chẳng thể ép vào tim được,
Nếu định rồi, xin chớ tơ vương.
Nhiều hạnh phúc đang chờ đón kẻ,
Không có chi ràng buộc trên đường”.
Ai chả biết thế, không bị ràng buộc thì càng có “xác suất” vui thú hơn trong cuộc sống phù hoa này. Thôi, anh cứ đi đi, “ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên”. Hẳn Akhmatova phải yêu người trai ấy lắm mới có thể tỏ ra bình thản, điềm tĩnh đến vậy mà nói câu từ giã vừa mát mẻ, vừa “lạt mềm buộc chặt” đến như vậy.
Thế nhưng, sự thực là sao? Trong khổ thơ tiếp theo, dường như nước mắt không chịu yên nữa mà đã dâng lên làm cay mí mắt người thiếu nữ. Dường như chỉ một chút nữa thôi là nàng sẽ khóc. Bởi thế, nàng phải nói cứng: “Tôi không khóc, tôi không than trách”. Nói vậy mà không phải vậy, vì nàng đã tuyệt vọng lắm rồi. Vì trước đó có thể nàng đã không chỉ một đêm trằn trọc, vừa yêu thương người, vừa cay phận mình. Mỗi khi một tình yêu thực sự rời bỏ chúng ta, chúng ta như bị chết đi một kiếp: chết về lòng tin ở nhau, chết về mơ ước yên bình hạnh phúc, tóm lại, một cái chết lâm sàng trong tâm tưởng.
Có lẽ cũng vì thế chăng nên cô thiếu nữ trong thơ Akhmatova mới tuyệt vọng đến vậy ngay sau khi vừa tỏ ra cứng rắn: “Tôi có chi hạnh phúc trong đời!” Kiêu hãnh và dằn dỗi. Vì còn yêu, còn lưu luyến lắm, còn hy vọng lắm. Và chắc rằng người trai cũng hiểu ra điều này, cũng cảm thấy tội cho nàng quá nên không thể dằn lòng mà không tới bên nàng với nụ hôn ly biệt, nụ hôn chẳng hiểu đã kịp trở thành xã giao hay vẫn vương vấn dư tình. Phản ứng của cô gái thật đúng là phản ứng của một.... cô gái, nói “đừng” đấy nhưng nỗi chua chát lại như thể cất tiếng gào đòi đón nhận:
“Đừng hôn tôi, người đàn bà mệt mỏi,
Cái chết rồi sẽ đến hôn tôi”.
Đe nhau đến thế là cùng! Không còn gì để trông cậy nữa, khi người đàn ông mà ta đã gửi trọn lòng yêu lại giã từ ta, dù với bất cứ lý do gì. Cú đánh còn hơn cả sét đánh, vì sét đánh thì còn chết được, chứ mất tình yêu ta thấy mình như chết mà lại không chết nổi. Thế mới đau đớn!
Vì thế chỉ còn nỗi kinh ngạc lớn lao và ngỡ ngàng trước cái chân lý mới được phát kiến, chỉ còn một nỗi nuối tiếc khôn nguôi về một hạnh phúc đã trở thành xa ngái. Và câu hỏi ở cuối bài thơ mới sửng sốt làm sao, sửng sốt đến mức chẳng bao giờ nhân loại giải đáp được rành rẽ và đành coi đấy là lẽ đời gần gụi với lẽ trời nhất: cái người tình đã bỏ ta đi ấy, vì sao đấy, lại có vẻ được ta yêu hơn những người mà ta chọn (hoặc buộc phải chọn) cho mình.
Chao ôi, cái trách của người thiếu nữ này mới thành thực làm sao, thành thực tới mức... tinh quái. Không trách chàng vong bội, không trách chàng bạc tình, mà chỉ trách chàng “hơn” người danh chính ngôn thuận của mình nên đã khiến không thể nào nguôi ngoai niềm tâm sự cũ đã dành cho nhau.
Không rõ nghe những lời như thế, chàng trai trong bài thơ có đành lòng dứt áo hay không. Mà nếu có ra đi thật thì sau này, mỗi khi chạnh nhớ lại, không thể nào không cảm thấy lương tâm mình cắn rứt. Oái oăm thay, đôi khi phải bỏ nhau, phải mất nhau, phải đau khổ vì nhau thì người đàn ông mới hiểu ra rằng, thực ra, cô gái đã từng coi mình hơn tất cả trên đời cũng là cô gái mà lẽ ra mình phải đối xử tốt hơn tất cả trên đời. Mà mình thì lại đã không làm thế được. Để khi gặp lại, thấy người năm cũ hao gầy, héo hon, lòng mình mới âm thầm ân hận, dẫu biết rằng chẳng để làm gì vì bèo đã trôi và nước đã chảy, có ai lội được hai lần qua một dòng sông...
Mong sao để tất cả những ai đọc bài viết này rồi, đừng để mất nhau một cách đáng tiếc như thế.
Linh Vân