Hàn gắn sau đổ vỡ
Vì quyền lợi và trách nhiệm chung là những đứa con, những ông bố, bà mẹ sau ly hôn, cần phải gạt đi những cảm xúc tiêu cực về nhau để duy trì cho con có sự cân bằng giữa sự chăm sóc của cả bố và mẹ dù không còn chung sống.
Hàn gắn rạn vỡ không thể bắt nguồn từ một phía
Tuy nhiên, đây không hề là điều đơn giản. Bởi ly hôn xảy ra khi mối quan hệ vợ chồng đã không thể cứu vãn. Những tổn thương mà cả hai đã gây ra cho nhau trong quá trình trước và trong ly hôn dẫn tới giai đoạn sau ly hôn nhiều đổ vỡ khó thể hàn gắn.
“Có rất nhiều ông bố bà mẹ sau ly hôn thường xuyên cãi vã về quyền lợi và trách nhiệm với con cái, đó là vì chúng ta còn quá nhiều “sân si” và hơn thua, đến mức quên mất cả quyền lợi của những đứa con. Vì vậy nên sau ly hôn chúng ta cần rất nhiều sự bình tĩnh để có thể đối thoại với người cũ, thống nhất được với nhau để cùng nhau chăm sóc và nuôi dạy con cái”. Nhà báo Lan Anh chia sẻ về thực tế đang diễn ra với các cặp vợ chồng sau ly hôn.
Ly hôn, sẽ có hai việc quan trọng luôn được tòa án xem xét, đó là phân chia tài sản chung và ai nhận quyền nuôi con. Thường để việc ly hôn được diễn ra nhanh chóng, vợ và chồng thường đề xuất sẽ tự thỏa thuận. Tòa căn cứ vào việc tự thỏa thuận này để ra quyết định. Tuy nhiên trên thực tế, dù đã có phán quyết của tòa, nhưng rốt cuộc vợ và chồng cũng không thực hiện và thoái thác trách nhiệm. Điều này dẫn tới những hậu quả khôn lường, trong đó, tổn hại nhất vẫn là những đứa con khi không thể có cùng bố, mẹ thay nhau chăm sóc.
Chúng ta đang tiến tới việc cư xử văn minh, đặc biệt là hàn gắn rạn vỡ của hậu ly hôn, nhưng việc sẽ không thể nếu chỉ bắt nguồn từ một phía. Rất nhiều cặp đôi vẫn đang bị các cảm xúc tiêu cực bản năng chi phối và không thể nghĩ sáng suốt, chỉ biết đổ lỗi, vì vậy, việc hành xử tồi tệ vẫn thường diễn ra và gây căm phẫn lên nhau, không chỉ đối với những người lao động chân tay, mà còn cả với tầng lớp trí thức.
Sau ly hôn, có thể thấy sự suy sụp về tinh thần diễn ra với tất cả các thành viên trong gia đình. Không thể dễ dàng khi một mái ấm đổ vỡ và tất cả các thành viên sẽ bị hẫng hụt trong quá trình làm quen một cuộc sống hoàn toàn mới. Vì vậy, việc chuẩn bị kỹ càng về tâm lý cho mỗi thành viên ngay từ thời kỳ tiền ly hôn luôn là việc cấp thiết cần làm. Người vợ và chồng, cần tìm hiểu kỹ mọi biến cố có thể xảy ra, bình tĩnh để cùng nhau đối thoại, lựa chọn giải pháp phù hợp và hữu ích. Chấp nhận việc không thể cùng nhau chung sống. Phân chia tài sản trong quá trình hôn nhân rất rõ ràng, chi tiết, và cần có sự ưu tiên tài sản cho người được nhận quyền nuôi con. Trách nhiệm cụ thể bố và mẹ trong việc nuôi con và cam kết đảm bảo sẽ thực hiện đúng những trách nhiệm đó.
Theo Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam, việc nhờ cậy đến các chuyên gia tâm lý trong cả ba giai đoạn, tiền, trong và hậu ly hôn là điều hết sức cần thiết và quan trọng:
“Mục tiêu của hỗ trợ tâm lý trong giai đoạn này là giảm sự giận dữ, buộc tội, chỉ trích mà người này hướng đến người kia để cho hai người có thể đưa ra một vài quyết định cho mối quan hệ của họ sau này. Nhà tâm lý phải giúp cho thân chủ đối diện với nỗi đau của riêng mình, truyền cho cả hai thân chủ niềm hy vọng rằng rồi họ sẽ nguôi ngoai và vượt qua được. Các buổi làm việc cũng phải giúp cặp đôi sáng tỏ những cảm giác bối rối, xác định các khả năng có thể xảy ra để tìm hướng giải quyết, đưa ra quyết định có lợi nhất cho các bên liên quan. Nhà tâm lý cũng có thể nhắc nhở cha mẹ nguy cơ con cái trở thành nạn nhân trong cuộc chiến sau ly hôn nếu bố mẹ vẫn tiếp tục hành xử như vậy. Hãy trở thành những người bạn vì con cái.”
Ca sĩ/ nhà báo Lan Anh.
Ca sĩ/ Nhà báo Lan Anh: Cần giữ cân bằng tâm sinh lý cho con
Sẽ rất khó tin khi tôi nói rằng tôi vẫn tin vào hôn nhân, vì tôi là người vừa trải qua ly hôn, nhưng thực tế là vậy, tôi vẫn luôn cho rằng hôn nhân là một điều tốt đẹp, là nhân duyên, sự gắn kết của hai con người gần lại với nhau để được mạnh mẽ hơn, ấm áp hơn, cùng sẻ chia và gánh vác, cùng nhau nuôi dạy con cái. Và nếu một cuộc hôn nhân đổ vỡ, đó là khi hai người không còn tìm thấy những ý nghĩa ban đầu mà họ muốn có trong cuộc hôn nhân ấy nữa”.
Ca sĩ/ Nhà báo Lan Anh, chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân chị về việc tự hàn gắn sau đổ vỡ.
• Ly hôn thường bắt đầu từ người vợ, khi không chấp nhận mối quan hệ của chồng với người thứ ba?
- Theo tôi việc ly hôn bắt đầu từ ai hoàn toàn không quan trọng, quan trọng là “Chúng ta đã không thể tiếp tục cùng nhau”. Theo sự nhìn nhận của tôi thì ly hôn thường bắt đầu từ cả hai phía, một cuộc ly hôn thường sẽ không bao giờ hoàn toàn là do lỗi của người này hay người kia; ngay cả việc ngoại tình của người này đôi khi cũng là có xuất phát điểm sâu xa nào đó từ một phần lỗi của người kia. Và thực tế là tỉ lệ ngoại tình giữa nam và nữ là ngang nhau, nên không có sự khác biệt về giới tính nào ở đây cả.
• Tổn thương sâu sắc bắt đầu từ đây?
- Khi kết hôn, chúng ta thường hay có xu hướng kì vọng người kia thay đổi theo ý mình, hoặc đáp ứng điều mà mình muốn, tuy nhiên điều này là rất khó, vì vợ chồng vốn là hai con người độc lập xa lạ. Và khi mà những điều ta muốn mà không được đáp ứng, lâu dần ta sẽ trở nên chán nản, tuyệt vọng, những tổn thương sẽ lớn dần sau những mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung.
• Rõ ràng, trong quá trình ly hôn và sau đó, là thử thách thực sự và mọi mặt với cả hai?
- Chắc chắn là không ai có thể thấy hạnh phúc hơn sau ly hôn, dù cuộc hôn nhân đó có tồi tệ như thế nào. Nhưng thử thách lớn hay nhỏ một phần cũng do cách chúng ta nhìn nhận và đối diện. Thực tế là nhiều người hay có xu hướng “thổi phồng” nỗi đau, “bi kịch hóa”, nhưng rồi không có gì là mãi mãi, niềm vui hay nỗi buồn cũng đều sẽ qua đi, nếu ta bình tĩnh đối diện thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều.
• Tuy nhiên, theo chị, đàn ông và đàn bà, ai sẽ chịu áp lực nặng nề hơn?
- Ai phải mang nhiều trách nhiệm nặng nề trên vai hơn thì người đó chịu áp lực nhiều hơn, không cứ là đàn ông hay đàn bà, nhưng thường thì phụ nữ sẽ nuôi con, nên trách nhiệm của họ sẽ lớn hơn, bởi cách sống và thái độ của họ còn ảnh hưởng đến tâm lý và cả tính cách của con sau này, nên đôi khi họ không thể sống hoàn toàn chỉ vì cái vị kỉ bản thân. Tuy nhiên nhìn theo một cách khác thì tôi thấy đây cũng là một việc tốt, những trách nhiệm sẽ giúp chúng ta sống đúng đắn hơn, mạnh mẽ hơn, khi không còn đường lùi thì chúng ta buộc phải tiến về phía trước. Còn những tổn thương thì tôi nghĩ với đàn ông hay đàn bà là ngang nhau, vì đều là con người mà, chỉ là ai giỏi khỏa lấp đi bằng những niềm vui khác hơn mà thôi.
• Trên thực tế, sau ly hôn, thường sẽ không còn muốn nhìn thấy nhau nữa, coi người kia không tồn tại nếu muốn nhanh chóng hàn gắn vết thương?
- Điều này đúng và hoàn toàn dễ hiểu, hôn nhân tan vỡ nhìn ở một góc độ nào đó nó cũng là một sự thất bại, và không phải ai cũng đủ dũng cảm để chấp nhận và bình thản đối diện với thất bại của chính mình. Và với những vết thương càng lớn, những tâm hồn càng yếu đuối thì việc này càng nặng nề mất nhiều thời gian để chữa lành hơn.
• Nhưng vợ chồng (cũ) còn kết nối quan trọng, đó là những đứa con?
- Có một điều đáng buồn là, không phải ai sinh ra cũng có khả năng làm một người bố, người mẹ tốt. Cho nên tôi chỉ ủng hộ ly hôn nếu nó khiến chúng ta thực sự hạnh phúc hơn về lâu dài, thay vì cứ phải duy trì một cuộc hôn nhân buồn đau. Vì chắc chắn chỉ có những ông bố bà mẹ hạnh phúc mới có thể nuôi dạy những đứa con hạnh phúc.
• Vậy khi nhìn vào con, bố mẹ cũng phải cố gắng học cách cư xử đúng đắn với nhau trong và sau ly hôn?
- Tôi nghĩ sau khi đã ly hôn thì việc chúng ta cư xử với nhau như thế nào không quá quan trọng bằng việc chúng ta sống cuộc đời tiếp theo của chúng ta như thế nào. Tôi nghĩ sau ly hôn chúng ta có thể tiếp tục sống một cách hạnh phúc và làm đầy đủ trách nhiệm với con cái, vậy là đủ. Còn việc cư xử đúng đắn hay không phụ thuộc vào nhận thức và quan điểm của mỗi người, đôi khi còn phụ thuộc vào người mới của đối phương nữa.
• Theo chị, để con được cân bằng tâm, sinh lý sau khi bố mẹ ly hôn phải chăng là điều cần thiết?
- Việc giữ cân bằng tâm, sinh lý cho con thì luôn luôn là cần thiết chứ không phải chỉ sau việc cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên có một việc còn quan trọng hơn là phải giữ được cân bằng cho tâm, sinh lý của chính mình trước đã, vì chỉ khi bạn đang bình an và tỉnh táo thì bạn mới biết điều gì là tốt nhất cho con, còn khi đã bất an thì có làm gì sai cũng không hề hay biết.
• Rất ít người có thể cư xử đàng hoàng và coi nhau là “bạn cũ” sau ly hôn?
- Thực ra cái oán hận trong mỗi con người sau những tổn thương là điều khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm mới ly hôn thì chúng ta thường bị những cảm xúc tiêu cực lấn át nên sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái hận thù, căm ghét, day dứt, đổ lỗi… Khi chúng ta hiểu điều đó thì chúng ta có thể bao dung và dễ dàng tha thứ cho đối phương hơn.
• Từ những trải nghiệm của chị, những gì cụ thể cần làm để có cuộc sống tích cực sau đổ vỡ?
- Quãng thời gian sau đổ vỡ là một quãng thời gian kinh khủng đối với cả đàn ông hay phụ nữ, và chúng ta rất dễ bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tiêu cực dẫn đến những lời nói, hành động không đúng đắn.
Nếu được phép đưa ra lời khuyên, thì tôi nghĩ rằng điều đầu tiên quan trọng nhất là hãy tìm cách “cắt đứt” dòng suy nghĩ tiêu cực của mình, ngừng suy diễn về đối phương, không thổi phồng nỗi đau, hãy tâm niệm rằng nó không có thực và bạn chỉ đang nghĩ ra nó mà thôi. Và hãy nghĩ rằng tất cả đã là quá khứ, cần xếp nó lại một bên để nhìn về phía trước. Khi bị chìm vào cảm giác tiêu cực, hãy tìm một việc gì đó để làm như nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao hoặc gặp gỡ bạn bè, những người có thể mang lại năng lượng tích cực, tránh gặp gỡ những người buồn chán hoặc bi lụy. Không cố tìm cách để biết về cuộc sống của người cũ.
Trong thời gian này hạn chế ở một mình, không dùng chất kích thích vì “hậu say” sẽ làm cho bạn cảm giác còn kinh khủng hơn rất nhiều. Tìm cách để luôn bận rộn với những việc đơn giản và không mệt mỏi đầu óc như đan lát, xem phim hài tình cảm, vẽ tranh, trồng cây, làm đồ thủ công… Chơi những môn thể thao nhẹ nhàng không quá sức, học những lớp kĩ năng mới mẻ, gặp gỡ những người mới. Hãy gần gũi con cái nhiều hơn, đôi khi bọn trẻ sẽ cho bạn những niềm vui thú vị mà bạn không thể ngờ đến. Và hơn tất cả, hãy giữ cho bản thân mình luôn xinh đẹp, rạng rỡ. Hãy tin tôi, rồi một buổi sáng thức dậy, bạn thấy tất cả những đau đớn kia đã trở thành câu chuyện cũ từ bao giờ (cười)
Xin cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị!
Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam.
Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam: Hãy trở thành bạn – vì con
Nhiều con số thống kê hiện nay cho thấy các vụ ly hôn gần như tăng lên gấp 3 lần so với 50 năm trước đây. Người ta cho rằng khoảng 50% các cuộc hôn nhân hiện đại kết thúc bằng sự đổ vỡ”.
Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam chia sẻ về bản chất vấn đề của ly hôn, các diễn biến tâm lý và những việc cần làm để cân bằng được cuộc sống cũng như cùng nhau chăm sóc tốt các con sau ly hôn.
1. “Nguyên nhân dẫn đến tan vỡ gia đình có thể có rất nhiều từ việc các nhu cầu hay mục tiêu của vợ hoặc chồng không được thoả mãn, hai vợ chồng không thể giải quyết hiệu quả các vấn đề cuộc sống hoặc không thể chia sẻ cảm xúc với nhau. Nhiều lý do có vẻ rất vặt vãnh như việc phân công ai làm gì trong gia đình hoặc sẽ ưu tiên cho công việc của ai hơn khi nguồn lực không đủ xong đó lại là một kịch bản thường gặp.
Tôi có thể thấy bản thân vấn đề không làm đổ vỡ hôn nhân mà chính là cách thức hai vợ chồng không thể giải quyết được hiệu quả vấn đề, không thể thương thuyết được với nhau. Và thường thì người vợ sẽ là người bất mãn trước, nhưng người chồng đóng vai trò không nhỏ làm ngọn lửa cảm xúc tàn lụi dần mặc dầu anh ta chẳng muốn ly hôn”.
“Ly hôn trải qua 3 giai đoạn: Trước khi quyết định; Tổ chức ly hôn và phục hồi sau ly hôn. Thách thức có ở trong cả ba giai đoạn.
Giai đoạn trước khi quyết định. Cả hai vợ chồng cảm thấy ngày càng bất mãn, vỡ mộng về mối quan hệ. Bắt đầu mơ mộng hoặc lên kế hoạch về tương lai mà không có sự xuất hiện của người kia. Cảm thấy ghét bỏ, mất niềm tin đến không thể chia sẻ ý tưởng ly hôn với bạn bè hoặc người thân và tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến ly hôn.
Giai đoạn tổ chức ly hôn tạo ra những áp lực từ việc tính toán kinh tế thực tế của ly hôn, việc mỗi người sẽ ở đâu, việc nuôi con hoặc chia sẻ quyền nuôi con nếu họ có con. Trước khi đi đến quyết định, cả hai sẽ đều trải qua nhiều cảm giác lẫn lộn, sợ hãi, cô đơn, giận dữ, buồn bã, nuối tiếc và oán giận đối phương.
Giai đoạn sau khi ly hôn, mỗi người bắt đầu khám phá cuộc sống mới, bản thân mới và những đối tượng yêu thương mới. Một số trường hợp có thể thấy hứng thú, tự tin, nhiều năng lượng hơn nhưng một số khác không thể vượt qua cảm giác nuối tiếc hoặc oán giận kéo dài”.
2. “Về mặt văn hoá, tôi nghĩ rằng Phương Đông phụ nữ sẽ chịu nhiều áp lực nặng nề hơn khi hôn nhân đổ vỡ do họ dễ bị kỳ thị, khó có khả năng tái hôn, dễ bị phán xét và bị gây áp lực hơn đàn ông.
Tuy nhiên về mặt tâm lý, những người có thể nhanh chóng trở lại với công việc, diễn giải thực tế đây là việc phải lựa chọn, chấp nhận và bắt đầu tham gia hoạt động mới, tìm đến bạn mới, hình thành những thói quen, nếp sống hàng ngày mới cũng như khám phá những sở thích mới sẽ đương đầu với áp lực tốt hơn, ít nguy cơ trầm cảm hơn, bất kể là đàn ông hay phụ nữ”.
“Sau ly hôn, thường nhiều người không còn muốn nhìn thấy nhau nữa, coi người kia không tồn tại nếu muốn nhanh chóng hàn gắn vết thương. Rất ít người có thể cư xử đàng hoàng và coi nhau là “bạn cũ” sau ly hôn. Tôi không nghĩ đó là cách hành xử trưởng thành.
Với những cặp đôi đó, việc tìm kiếm can thiệp tâm lý là cấp thiết và quan trọng vì sau ly hôn mà vẫn còn những cảm xúc dữ dội và tiêu cực của cảm xúc như trong quá trình tổ chức ly hôn”.
“Chúng ta cần giúp các ông bố bà mẹ nhận ra giữa họ vẫn còn những kết nối quan trọng là những đứa con. Trước khi quyết định, họ cần cân nhắc để thông báo và chuẩn bị tâm lý cho con một cách phù hợp. Họ cần làm rõ với trẻ để đảm bảo những quyền lợi, sự quan tâm đến con không thay đổi. Cha mẹ cần hành xử với nhau một cách trưởng thành trong và sau khi ly hôn để giúp con cái nhanh chấp nhận thực tế cũng như giúp con cái tiếp tục duy trì gắn kết với cả bố và mẹ để giảm thiểu hoá tổn thương tâm lý trong chặng đường phát triển sau này.
Nghiên cứu cho thấy trẻ em trong các gia đình ly hôn, nhìn chung, gặp nhiều vấn đề và có tình trạng kém thoải mái hơn những đứa trẻ trong các gia đình nguyên vẹn. Những vấn đề này bao gồm kết quả học tập thấp hơn, nhiều vấn đề về hành vi, điều chỉnh tâm lý kém hơn, tự nhận thức bản thân tiêu cực hơn, nhiều khó khăn xã hội và có vấn đề trong quan hệ với cả cha và mẹ.
Nếu quyết tâm ly hôn, muốn bảo vệ và giúp con cân bằng tâm lý hãy nhờ đến các nhà chuyên môn, các chuyên gia tâm lý trị liệu gia đình. Nhà tâm lý sẽ có chuyên môn và biết rõ mình cần làm gì để giúp giảm lo lắng, thù địch và những hiệu ứng khác của xung đột, lôi kéo hai bên tham gia tìm một giải pháp thích hợp nhất với nhu cầu của họ và của những đứa trẻ, chuẩn bị cho hai bên lường trước và sau đó chấp nhận những hậu quả của quyết định của chính mình, đặt ra các kế hoạch tương lai mà các bên đều cảm thấy chấp nhận.
Để giảm thiểu tác động hậu ly hôn tới trẻ, người ta khuyến cáo cha mẹ nên hợp tác và tận dụng quyền nuôi con chung. Tức là trao quyền hợp pháp và trách nhiệm cho cả cha mẹ và dùng để đảm bảo cho trẻ có khoảng thời gian cho mỗi người. Cách thức này có lợi vì nó giúp cả cha và mẹ vẫn tiếp tục liên quan đến đời sống của trẻ.
Tuy nhiên, để giúp các em sau ly hôn thì cha mẹ cũng cần phải có một sức khoẻ tốt và học kỹ năng nuôi con tốt. Trẻ sẽ cân bằng tốt hơn khi người cha/mẹ bày tỏ tình yêu thương, có sự giám sát thích hợp, thực hiện mức độ kiểm soát ôn hoà, đưa ra những giải thích cho các nguyên tắc, tránh kỷ luật khắc nghiệt và kiên định trong việc đưa ra hình phạt.
Về mặt thể chế, chính sách, chúng ta cũng nên suy nghĩ đến việc cải cách hệ thống hỗ trợ trẻ em sau ly hôn ví dụ như tăng cam kết hỗ trợ kinh tế từ người cha không có quyền nuôi con cho đứa con của mình, yêu cầu trị liệu tâm lý bắt buộc cho cá nhân trẻ nhằm giúp trẻ giảm bớt những vấn đề mà chúng thường gặp sau ly hôn hoặc can thiệp định hướng gia đình bắt buộc cải thiện kỹ năng nuôi dạy con trong bối cảnh ly hôn hoặc giảm mức độ xung đột giữa vợ chồng về các vấn đề liên quan đến nuôi dạy con cái”.
Nhiều con số thống kê hiện nay cho thấy các vụ ly hôn gần như tăng lên gấp 3 lần so với 50 năm trước đây. Người ta cho rằng khoảng 50% các cuộc hôn nhân hiện đại kết thúc bằng sự đổ vỡ”. Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam chia sẻ về bản chất vấn đề của ly hôn, các diễn biến tâm lý và những việc cần làm để cân bằng được cuộc sống cũng như cùng nhau chăm sóc tốt các con sau ly hôn. |