Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Nỗi buồn - khởi nguồn cho sáng tạo
Luôn là nụ cười rạng rỡ, tiếng nói rổn rảng, cử chỉ hồ hởi và những câu chuyện hài hước làm người đối diện cười khó thể ngừng, cảm giác nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến thường tràn đầy nguồn năng lượng tích cực. Có lẽ, ngoài người thân thiết ra, sẽ ít ai thấy được nỗi buồn trong anh, nếu không đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.
Là một tên thơ quen thuộc với bạn đọc, nhất là thế hệ 7x, 8x…, sau cơn mưa lành giải thưởng từ Chương trình Bài Hát Việt trên VTV với bài hát “Bà tôi”, Nguyễn Vĩnh Tiến trở nên thêm nổi tiếng. Anh xuất hiện nhiều trên các chương trình truyền hình, tham gia nhiệt tình các hoạt động văn hóa, là khách mời cho bao cuộc giao lưu trong ngoài nước… Trên các trang báo chuyên về showbiz, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng liên tục được nhắc tên.
Nguyễn Vĩnh Tiến rất thông minh và ưa tìm hiểu những điều mới mẻ, đó cũng là lí do vì sao cuộc sống trong anh biến động không ngừng. Thế giới mà Nguyễn Vĩnh Tiến tạo nên, người ta có thể cuồng quay trong đó, rồi hoang mang thoát ra. Đồng hành được cùng anh, không chỉ cần bền lòng, bền chí… mà cần hiểu và biết thông cảm. Với Nguyễn Vĩnh Tiến, cần để anh được yên, sống theo những lãng mạn vượt trên thực tế, và cũng là anh, biến sự không thực tế ấy thành cái có thể hiện hữu.
Nguyễn Vĩnh Tiến là người có thể chạy trên sợi dây mỏng nối hai cực, một sáng tạo thăng hoa, một tỉnh táo tài chính. Những gì anh cho đi, cũng là biết trước sẽ nhận về. Thế nên, với bất kể công việc gì, cũng thấy Nguyễn Vĩnh Tiến nhiệt tâm cháy hết mình, nhưng quay lại, cũng thấy sự trống trải, và nhiều điều bị lãng quên, khi chỉ một con người với thời gian hai mươi tư giờ một ngày không thể cho phép. Thế nên sự chậm lại luôn là điều cần, để anh có thể cân bằng, và tìm cách bình và an cho riêng mình.
Nếu được một vị thầy “chấm” cho lá số tử vi, hẳn sẽ thấy Nguyễn Vĩnh Tiến rất được “trời thương” trên con đường nghệ thuật. Nhìn hàng loạt giải thưởng văn học mà Nguyễn Vĩnh Tiến có được, đến các công trình kiến trúc được nhắc tên, sau đó nữa là âm nhạc, thì gần như những gì anh làm, đều được ghi nhận.
Ngay từ năm 1991, một chú bé trung du 16 tuổi ngộ nghĩnh về thủ đô để tham gia lễ trao Giải thưởng Truyện ngắn và Thơ "Tác phẩm Tuổi Xanh "do Báo Tiền Phong, tổ chức cho hai sáng tác đầu tay: "Con Chó Hư", " Lá Rụng", đủ gây sự chú ý đến những nhà văn nhà thơ tên tuổi bấy giờ. Rồi lần lượt, ngoài việc tham gia các bút nhóm viết như Hương Đầu Mùa (Hoa Học Trò), từ năm 1992 đến 1997, Nguyễn Vĩnh Tiến liên tục nhận giải thưởng về thơ hoặc truyện… đủ cho xác lập về con đường văn chương của anh thành hình.
Thơ hay truyện của Nguyễn Vĩnh Tiến, đều bắt đầu từ những gì thân thiết quen thuộc từ tuổi thơ của anh:
“Những vết roi của cánh dồng
Lằn mãi phía tôi đi
Một tuổi thơ chân không ấm ức
Bà tôi chỉ phía cánh đồng sáng rực
Bảo rằng nơi ấy mặt trời
Đang rèn những lưỡi cày sáng loáng
Để xới tung lên mỗi kiếp người” (…)
(Những vết roi của cánh đồng. 1995)
Tuổi thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến gắn liền với Thị xã Phú Thọ nên thơ, bên dòng sông Thao uốn khúc hình âm dương. Khu vực trung tâm thị xã nằm giữa hình âm dương, xa xa là những ngọn đồi hướng về núi Hùng Lĩnh. Đó là lý do trong sáng tác nhiều hình ảnh về dòng sông, con thuyền hay mùa nước lũ:
“Sông Thao réo ùng ục màu hồng xám,
lặn ngụp giữa dòng củi mục
xác tuổi thơ trôi
Cây gạo đứng giữa bãi bồi, không lá
Tôi đáng lẽ ngồi chờ chuyến đò định mệnh
Nhưng đã bật dậy chạy theo cánh cung triền đê vàng
Để rồi lạc tiếp giữa những cánh cung sườn đồi căng nắng
Thoát theo một đường nhỏ, cây cọ xoè tay đã nhuộm rát từ mặt trời”
(Trung du. 2003)
Đọc thơ của một tâm hồn tràn đầy mơ mộng ấy, khó ai hình dung lại sở hữu não của một anh chàng học lớp Chuyên toán-Trường chuyên Hùng Vương. Đó cũng là lý do Nguyễn Vĩnh Tiến chọn thi vào Trường Đại học Kiến Trúc, nơi anh cho rằng, sẽ thỏa mãn tất cả những đam mê từ số liệu, đến tưởng tượng không gian, âm thanh, ánh sáng, triết học, văn hóa vùng miền,… cũng đủ lãng mạn để tiếp tục nuôi những tìm tòi cách tân về thơ, cũng như cầm đàn để tự phổ nhạc thơ mình khi có sự tương đồng về điểm nhấn hay cấu trúc tầng bậc... Và quan trọng nhất, là anh được đi đến cùng khả năng vẽ của mình. Có lẽ, trong nhiều biệt tài, ít ai biết Nguyễn Vĩnh Tiến vẽ nhiều biểu cảm, đặc biệt là trong những bức tranh màu nước.
Các tác phẩm tranh màu nước của anh: Ruộng bậc thang, Gà con đợi mẹ.
Năm 17 tuổi, Nguyễn Vĩnh Tiến đến với Hà Nội. Ký ức sinh viên thơ mộng hồn nhiên sống động, gắn bó với những tâm hồn tỉnh lẻ tương đồng, mỗi người tới mang theo ký ức và cả những khả năng riêng trong căn phòng ký túc xá 301. Nơi có nhiều kỷ niệm đến mức, đã trở thành truyện ngắn “Phòng 301” mà Nguyễn Vĩnh Tiến từng viết. Hẳn cũng như nhiều chàng sinh viên Kiến trúc khác, việc đi đến các trường nhiều nữ sinh như sư phạm hay tổng hợp để giao lưu cũng là việc thường nhiên. Nhờ mỗi buổi tới ký túc xá hay phòng trọ sinh viên ấy, nơi các chàng trai phải trổ hết tài nghệ từ thơ đến đánh đàn guitare sao có thể “cưa đổ” được cô nàng nào đó, đã giúp Nguyễn Vĩnh Tiến thăng hoa hơn trên con đường thi nhạc của mình. Anh chú trọng vào việc cách tân thơ và kiếm tìm sự biểu đạt mới. Nhóm thơ “Hoa Lạ” với những cái tên về sau thành danh như, Đỗ Hoàng Diệu, Dạ Thảo Phương, Phạm Tường Vân … do Nguyễn Vĩnh Tiến sáng lập từ đó ra đời.
“Đầu Thập niên 90 ở Hà Nội, Thơ là “món ăn tinh thần” chủ yếu của sinh viên, trí thức. Tôi thường đi đọc thơ cùng các nhà thơ lớn tuổi như Nhà thơ Lê Đạt, Nhà thơ Hoàng Cầm, Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nhà thơ Phạm Tiến Duật… Mỗi bài thơ, đều là những thử nghiệm và khai thác theo nhiều hướng khác nhau. Gần 30 năm, kể từ năm 1991 đến giờ, tôi gắn bó với thơ, chú trọng vào việc đổi mới trong phép tu từ, sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả, các phép so sánh, phép ẩn dụ lạ, chồng lớp, nghĩa là cần tạo ra được không gian và chúng kết chồng lên nhau, như một chiếc lá không chỉ có màu xanh mà còn cả màu nâu của gân lá, màu vàng của ánh nắng, màu bạc của hơi nước... Thơ là sự thăng hoa của hiện thực nên không thể mang hiện thực vào thơ. Sự thăng hoa trong thơ rất phi hiện thực và mang tính ảo giác. Tôi cũng áp dụng độ nhòa trong việc vẽ màu nước vào thơ. Với tôi, một bài thơ hay không khác gì một bản nhạc giao hưởng đầy cảm xúc hay một bức tranh rực rỡ sắc màu. Thơ cần đi sâu vào tâm trí người đọc và thay đổi cả tư duy người đọc. Luyện chữ trong thơ, thực sự là khó và vô cùng khắc nghiệt.”
Nhóm nhạc M6, cũng bắt đầu từ những người bạn văn chương, nhà văn Ngô Tự Lập, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Nguyễn Thắng, nhạc sĩ Trần Đức Minh, nhạc sĩ/ ca sĩ Nguyễn Tuấn. M6 tôn trọng tiêu chí phát triển tự do của mỗi cá nhân, hết sức sôi nổi thoải mái trong đối thoại và thường gặp nhau là để trao đổi những sáng tác cá nhân. Gốc văn học của M6 cũng làm cho việc sáng tác ca từ được các thành viên hết sức chú trọng và khắt khe, trong đó có hai người khắt khe nhất là Nhà văn Ngô Tự Lập và Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. M6 cũng đã tổ chức được khoảng 4 đêm nhạc, ra được 3 CD âm nhạc, có một số giao lưu với nhóm nhạc, nhạc sĩ nước ngoài. Và mong ước có chuyến công du âm nhạc đang hiện hữu trong Nguyễn Vĩnh Tiến.
“Nếu như Phùng Quán có “tuổi thơ dữ dội” thì với tôi là thời trung niên. Sự bùng nổ của mạng xã hội, đô thị, sự du nhập ồ ạt của nhiều lối sống mới. Bao nhiêu khái niệm được mở ra, các thử nghiệm nghệ thuật được sáng tạo, bên cạnh đó là thăng trầm của đời sống tư, sự đổ vỡ của gia đình, những đứa con, bao cơn trầm cảm đến rồi phải vượt qua… tất cả là chất liệu, sử liệu cá nhân để tôi dồn nén, gửi gắm vào những tác phẩm văn học và âm nhạc.
Với tôi, trong cuộc đời này ai cũng có lúc thăng, lúc trầm, chúng ta không nên đắn đo về điều đó, vì chính nó tôi luyện, giúp chúng ta mạnh mẽ hơn và đó cũng là khởi nguồn cho sáng tạo.”