Cựu Thiếu tướng KGB Aleksandr Medvedev viết về hậu trường Điện Kremli: Ở tuổi 'Xưa nay hiếm'
Tướng Vladimir Timofeyevich Medvedev sinh năm 1937 và từng tốt nghiệp đại học luật. Năm 1962, ông được nhận vào Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Liên Xô và phục vụ tại Tổng cục 9 (chuyên trách công tác bảo vệ lãnh đạo cao cấp). Ông đã làm việc trong đội bảo vệ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilich Brezhnev (1906-1982), và sau này, đã là chỉ huy đội bảo vệ của Mikhail Cergeyevich Gorbachev, vị Tổng Bí thư cuối cùng và Tổng thống đầu tiên (duy nhất) của Liên bang Xôviết…
Aleksandr Medvedev được đánh giá là một trong những người hiểu rõ nhất những chuyện thâm cung bí sử trong Điện Kremli ở những thập niên cuối thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn Leonid Ilich Brezhnev cầm quyền.
Ông không chỉ biết những chuyện công vụ hay gia đình của Tổng Bí thư thứ nhất này mà ông đã như hình với bóng trong suốt năm năm cuối đời của Brezhnev. Leonid Ilich đã qua đời trên tay của người sĩ quan cận vệ: Medvedev đã cố gắng làm hơi thở nhân tạo cho ông trong suốt 40 phút hấp hối, khi phải chờ các bác sĩ cấp cứu tới…
Sau khi về hưu, năm 1994, Aleksandr Medvedev đã cho ra mắt tập sách hồi ký “Người đứng ở sau lưng” kể về hậu trường Điện Kremli trong giai đoạn mà ông từng được chứng kiến. Trong sách có một chương viết về quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên bang Xôviết khi họ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.
Trân trọng và tài năng
Aleksandr Medvedev kể:
“Có lần Aleksei Nikolayevich Kosygin gọi điện thoại tới dacha (khu nhà nghỉ) ở Zavidovo (dành riêng cho Tổng Bí thư). Brezhnev ở thời điểm đó đang đi dạo bên ngoài và sĩ quan trực ban thông báo:
- Leonid Ilich nằm ngoài tầm liên lạc.
Một lúc sau Kosygin gọi điện thoại lại và với giọng điệu nửa đùa nửa thật kể về việc liên lạc không thành. Chuyện được diễn giải như thể Tổng Bí thư lại không muốn nói chuyện với Thủ tướng!
Sau cuộc nói chuyện đó, Brazhnev đã cho gọi ngay chỉ huy đội bảo vệ Ryabenko lên để “sửa gáy”: tại sao các cậu lại chia rẽ tôi với những người đang nắm quyền chèo lái quốc gia? Nhiệm vụ của các cậu không chỉ là bảo vệ an toàn, mà còn phải là góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt trong nội bộ lãnh đạo. Ai ở chỗ các cậu trực điện thoại mà thộn thế?
Và ông còn văng ra một câu nữa…
Lập tức ngay hôm đó dưới sự giám sát trực tiếp của Ryabenko và của chúng tôi, những cấp phó của ông ấy, một sĩ quan thuộc lực lượng bảo vệ tiếp cận đã được đặt vào vị trí trực điện thoại. Chúng tôi nhận được mệnh lệnh: nếu có Thủ tướng Kosygin, Chủ tịch KGB Andropov, Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov hay Bí Trung ương Đảng, nhà tư tưởng chính yếu của đất nước Suslov gọi đến thì phải nối ngay máy bất kể đêm hay ngày.
Brezhenv nói: Những người như thế không bao giờ gọi tới vì những chuyện vặt cả.
Quả thực, Aleksei Nikolayevich Kosygin rất hiếm khi gọi tới trong giai đoạn Brezhnev nghỉ phép. Giữa họ đã hình thành những mối quan hệ không đơn giản. Với bản tính ít cảm xúc, với tính cách khô khan của mình, Kosygin là một người xa cách đối với Brezhnev, nhưng Tổng Bí thư rất kính trọng và đánh giá cao Thủ tướng như một chuyên gia, vì hiểu rằng trong những vấn đề quản lý kinh tế, đó là một người chuyên nghiệp đích thực.
Khi chúng tôi báo cáo: “Kosygin đang chờ máy”, Brezhnev bỏ ngay những công việc khác và cầm ống nghe lên luôn. Thảng hoặc thì ông sẽ tự gọi lại ngay. Tự ý thức được mình thua Kosygin trong việc nắm bắt công việc, Leonid Ilich đối xử với ông ấy với một cảm giác rụt rè trong nội tâm. Khi trò chuyện, ông tỏ ra thoải mái, bông đùa, nhưng vẫn để lộ sự căng thẳng nhất định và khi đặt ống nghe xuống, có cảm giác như dễ chịu hơn.
Kosygin biết giá của mình, luôn cư xử một cách đầy tự trọng và có lẽ ông đã là người duy nhất không tỏ ra quỵ lụy Brezhnev…”
Cũng cần phải biết rằng, Aleksei Kosygin không chỉ là vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô lâu năm nhất: ông nhậm chức từ đầu những năm 40 và với một vài gián đoạn ngắn, đã điều hành nền kinh tế Xô viết cho tới khi phải tự xin về hưu ngày 23-20 -1980. Ông qua đời sau khi về hưu hai tháng. Kosygin không chỉ là một nhà lãnh đạo kinh tế xuất sắc nhất trong thời đại của mình mà còn là một người rất liêm chính, nói đi đôi với làm. Một nhân vật xuất chúng nhưng rất bình dị.
Sáu năm trước khi mất, ngày 21/2/1974, phát biểu trong dịp kỷ niệm lần thứ 70 sinh nhật của chính mình, ông Kosygin đã trầm tư thổ lộ: “Thất thập, đó là thời điểm mà con người ta mặc nhiên cảm thấy nhu cầu phải nhìn lại và suy ngẫm về những tháng ngày đã sống. Và nếu phải nói ngắn gọn về điều trọng yếu nhất, thì đối với tôi, cũng như với tất cả các đảng viên của chính đảng Lênin vĩ đại của chúng ta, điều trọng yếu đó nằm trong sự phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong ham muốn thường xuyên mang lại lợi ích cho mọi người trong cuộc đấu tranh nhằm biến những lý tưởng cộng sản thành hiện thực”. Ông đã nói như thế một cách chân thành. Và mọi người nghe ông cũng đều tin như thế. Rõ ràng là không phải lỗi của ông nếu những điều ông nghĩ không phải bao giờ cũng trùng khít với thực tế khách quan...
Aleksandr Mevdevev trong “Người đứng ở sau lưng” còn kể về Kosygin như sau:
“Aleksei Nikolayevich rất thích đi dạo ngoài trời. Ông hay đi bộ về nhà – từ Điện Kremli tới đoạn đầu đại lộ Lênin. Trên đường đi, tới phố Dimitrov, ông rẽ vào một cửa hàng thực phẩm. Ngay sau lần đầu tiên ông vào đó, cửa hàng này được nhận rất nhiều thực phẩm khác nhau và trở thành một trong những cửa hàng oách nhất Moskva”.
Theo Aleksandr Medvedev, một nhà lãnh đạo cao cấp khác nữa trong Điện Kremli cũng tính cách khác xa với Tổng Bí thư Thứ nhất nhưng vẫn được ông kính trọng và yêu quý là Mikhail Andreyevich Suslov (1902-1982), tới giai đoạn cuối đời của Tổng Bí thư thì gần như đã trở thành nhân vật thứ hai trong đảng. Suslov được phân công phụ trách lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục… Aleksandr Mevdvedev kể:
Brezhnev thường trò chuyện theo kiểu anh tôi với tất cả mọi người và thường gọi tên thân mật với họ trong những khi không phải ở trước đông người. Riêng với Suslov thì ông lúc đối diện luôn gọi theo tên và tên đệm theo cha một cách trịnh trọng, cũng như đối với Kosygin. Có lẽ khi đối diện với Suslov và Kosygin, Tổng Bí thư cảm thấy mình không được đủ tự tin như đối với những người khác và cả hai nhân vật này đều có thể phản biện lại ông. Có không ít trường hợp xảy ra, khi tất cả ủng hộ thì Suslov chống lại.
Hay khi giải quyết vấn đề như về việc trao huân huy chương hay phần thưởng, mọi việc đang diễn ra ổn thỏa thì ai đó lại bảo: “Còn phải xem Mikhail Andreyevich cho ý kiến…”, thì Brezhnev nói ngay: “Vậy đồng chí hãy giải thích cho đồng chí ấy hiểu…” rồi nói thêm: “Thôi, để tự tôi nói với đồng chí ấy!”…”
Mikhail Susolv qua đời ngày 25/1/1982 tại Moskva, chỉ vài tháng trước khi Brezhnev mất…
Vai trò quan trọng của ông trong đời sống chính trị nội bộ và tư tưởng được nhấn mạnh bằng việc ông được mai táng (cùng với một số ít các nhà lãnh đạo Đảng như Kalinin, Zhdanov, Stalin, Voroshilov) trong khu mộ bên tường Điện Kremli trong một ngôi mộ riêng mà sau đó không lâu, đã có tượng kỷ niệm được dựng lên. Lễ truy điệu ông ngày 29/1/1982 được truyền hình trực tiếp ra khắp lãnh thổ Liên Xô. Cả nước đã để tang trong ba ngày…
Thượng tướng Yuri Churbanov, con rể của Tổng Bí thư Thứ nhất Brezhnev, sau này trong một bài trả lời phỏng vấn đã đánh giá như sau về Suslov: “Đó là một trong những chính khách thông minh nhất thời Xôviết. Ông ấy đã sống lâu hơn Stalin, Khrushchev, ông ấy làm việc dưới thời Brezhnev. Dẫu ông ấy là một người có trí tuệ rất khôn ngoan nhưng làm việc với ông ấy rất dễ chịu. Có lần tôi ghé vào nhà ông ấy, tôi đã ngạc nhiên vì mọi đồ đạc đều là công dụng rất giản dị. Ông ấy sống cùng con trai và con dâu, và đã duy trì mọi thứ rất khắc khổ…”.
Tin cậy nhưng vẫn giám sát
Sau khi Suslov qua đời, chức Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô mà ông để lại được chuyển cho Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984). Andropov được Aleksandr Medvedev trong “Người đứng sau lưng” đánh giá là nhân vật gần gụi nhất đối với Brezhnev trong giới lãnh đạo cấp cao. Sĩ quan cận vệ Medvedev viết:
“Và điều này rất quan trọng đối với ông, bởi lẽ Andropov, đứng đầu một cơ quan có quyền lực nhất và gần như không chịu sự kiểm soát của ai, biết rõ mọi việc trong nước, không chỉ về nạn tham nhũng, tội phạm, những âm mưu có thể xảy ra mà còn cả thực trạng nền kinh tế, quan hệ giữa các dân tộc, các công việc đối ngoại chính trị, tâm trạng của nhân dân. Là một người rất trí thức, học vấn cao, tuyệt đối vô tư, tin tưởng ở các lý tưởng xã hội chủ nghĩa, ông khiến tôi nhớ tới những người bolshevik thời đầu thế kỷ XX. Có ở bên cạnh một người nắm nhiều thông tin và trung thành như Andropov, Brezhnev được bảo vệ khỏi mọi dạng sự cố khó chịu bất ngờ. Tôi đã nghe nói rằng, sau khi Suslov qua đời, Brezhnev đã chuẩn bị đưa Yuri Vladimirovich vào chỗ ông người đã khuất – vị trí thứ hai trong đảng, nhưng vì sao đấy dự định này đã không trở thành hiện thực.
Andropov là một người tế nhị ở mức cao nhất, ít ra là trong quan hệ với Brezhnev. Ông không bao giờ xuất hiện nếu không gọi điện báo trước và không bao giờ không có lý do quan trọng mà lại làm phiền Tổng bí thư bằng gọi điện thoại hay tới gặp. Thường là cấp phó của ông, Vladimir Aleksandrovich Kryuchkov, gọi điện thoại tới, ông ấy cũng như thủ trưởng của mình là người dân sự, cả hai đều rộng lượng, và tôi trả lời: “Vladimir Aleksandrovich, đồng chí ấy đang có khách”. Kryuchkov đáp nếu có việc gấp: “Đồng chí cứ báo cáo đi!” hay “Đồng chí hãy báo cáo ngay khi đồng chí ấy tiếp khách xong”. Khi chính Andropov gọi tới thì việc đầu tiên là hỏi thăm tình hình sức khỏe của Leonid Ilich. Tôi đáp rồi hỏi: “Tôi phải báo cáo ngay với đồng chí ấy?” – “Không, không cần thế, việc của tôi không gấp lắm. Khi nào đồng chí ấy xong việc thì anh báo lại cho tôi biết nhé!”
Chernenko, Kirienko, Tikhonov và một vài người nữa có thể gọi thẳng tới cho Brezhnev. Andropov thì chỉ gọi qua chúng tôi hoặc qua thư ký. Kirienko có thể ôm vai Brezhnev gọi bằng cái tên thân mật: “Lenya này…” Podgornyi cũng có thể cư xử suồng sã: “Leonid ơi…” Nhưng Andropov luôn cư xử đầy trân trọng đối với Tổng Bí thư bằng cách gọi đủ tên và tên đệm theo cha: “Leonid Ilich…”
Tôi nghĩ rằng, Andropov đối với Tổng Bí thư là một người đối thoại dễ chịu ngay cả trong những chủ đề phức tạp vì khi đưa ra một câu hỏi nào đó, Andropov lại tự gợi ý dưới dạng tế nhị cách trả lời mà không buộc đồng chí Tổng bí thư phải đau đầu. Ông như nương nhẹ Brezhnev vì nhớ tới sự bận rộn của Tổng Bí thư cũng như trạng thái sức khỏe của ông ấy. Phong cách trò chuyện này với lãnh đạo cấp trên nằm trong truyền thống của các cơ quan an ninh. Ngay cả ở tầm chúng tôi, khi có ai đó thỉnh thị cấp trên là một ông tướng thì trước đấy cũng đã phải định liệu sẵn mọi thứ thuận và không thuận để hình dung trước nội dung có thể có của câu trả lời từ cấp trên.
Tôi đã không chỉ một lần được chứng kiến các cuộc nói chuyện giữa Brezhnev với Andropov. Yuri Vladimirovich bước vào – lúc nào cũng bình thản, tỉnh táo: “Leonid Ilich, tôi có một vài câu hỏi ạ”. Ông đưa ra các câu hỏi một cách rõ ràng, ngắn gọn, với dáng vẻ như xin lỗi vì đã buộc phải tách Tổng bí thư khỏi những công việc quan trọng khác. Brezhnev thường thừ người suy nghĩ, còn Andropov lại lấp khoảng im lặng một cách gọn gàng: “Tôi nghĩ rằng, cần phải làm theo cách này, thế đồng chí nghĩ sao ạ?”
Tất cả các vấn đề như được tự giải quyết và cuộc nói chuyện kết thúc ở đó, nếu bất ngờ Brezhnev không đặt câu hỏi:
- Này, anh Yuri, anh hãy cho biết anh ăn gì vào bữa tối nhỉ? Làm sao anh không bị lên cân?
- Thì tôi cũng có làm gì đâu…
Thường thì Leonid Brezhnev đặt câu hỏi đó cho Tikhonov (người kế nhiệm Kosygin trên cương vị Thủ tướng), ông này vóc người gày. Nghe câu trả lời xong, ông cho gọi Ryabenko:
- Anh hãy đặt thực đơn cho tôi ăn sáng, trưa và tối như Nikolai Aleksandrovich. Ông ấy trong dáng thanh mảnh thế kia.
Viktoria Petrovna (phu nhân của Tổng Bí thư Brezhnev) cũng rất kính trọng Andropov cũng như vợ của ông, bà này cũng giống như vợ của Brezhnev không quan tâm tới chính trị và không can thiệp vào công việc quốc gia đại sự của chồng.
Vì thái độ tin tưởng như thế ở các đồng chí của mình nên đã xảy ra chuyện: rất đáng tiếc là Brezhnev đã không nắm được bản chất các vấn đề và giờ đây, nhiều năm sau khi ông qua đời, nhiều chuyện đã ảnh hưởng tới tên họ của ông. Những sai lầm hay thái độ thiếu trách nhiệm của nhiều người thừa hành đã gieo tiếng xấu cho Tổng Bí thư. Cũng đành vậy thôi vì ông là người lãnh đạo đất nước, ông phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện…
Vào một ngày đẹp trời, tôi đang ở trong phòng làm việc của Leonid Ilich, đúng lúc Andropov gọi điện thoại cho Tổng Bí thư. Đường dây liên lạc mở ra loa nên nghe rất rõ. Tôi đứng dậy để đi ra ngoài thì Leonid Ilich lại phảy tay, ý bảo cứ ngồi lại. Yuri Vladimirovich báo cáo về Bí thư Thứ nhất Khu ủy Krasnodar, Mendunov, nói rằng các cơ quan điều tra đang nắm giữ những bằng chứng không thể bác bỏ về việc lãnh đạo vùng Kuban lạm quyền, tại đó đang hoành hành nạn hối lộ.
Như thường lệ, Brezhnev chờ đề nghị cụ thể từ phía Andropov.
- Thế phải làm gì bây giờ?
- Khởi tố hình sự. Bắt Mendunov và đưa ra tòa.
Brezhnev, thông thường rất dễ đồng ý thì trong trường hợp này lại im lặng khá lâu, thở dài rồi nói:
- Anh Yuri, không thể làm thế được. Ông ấy là lãnh đạo một tổ chức đảng lớn như thế, nhân dân tin ông ấy, đi theo ông ấy, vậy mà giờ chúng ta lại định đưa ông ấy ra tòa sao? Công việc ở khu Krasnodar đang ổn. Chúng ta sẽ làm xấu mặt một địa phương tốt bởi một người thiếu lương tâm…. Thôi anh trước tiên hãy chuyển ông ta tới đâu đó rồi ở đấy chúng ta sẽ tính tiếp.
- Chuyển đi đâu ạ, Leonid Ilich?
- Đi đâu đó, thí dụ đi làm thứ trưởng, được không nào?
Câu chuyện tới đó kết thúc.
Leonid Ilich rất phiền lòng vì Mendunov, một cán bộ do ông đưa lên lại làm ông mất mặt. Ông không hề hoài nghi gì về việc những điều mà Andropov đã nói với ông đều là sự thật.
Mendunov không bị loại khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo có lẽ còn bởi thông tin chưa bị lộ ra ngoài…
Tuy nhiên, ngay cả đối với Andropov, dù ông có tin tưởng đến đâu, dù ông có lắng nghe ý kiến đến đâu thì ông vẫn cử vào vị trí cấp phó của Andropov một nhân vật tin cậy bậc nhất của mình là S. Tsvigun, người mà ông từng biết từ thời còn làm việc ở Moldova. Tsvigun từng sáng tác nhiều tác phẩm văn học thuộc đủ các thể loại mà chủ đề chính là sự cảnh giác của các cơ quan KGB và biên phòng. Brezhnev có lần yêu cầu tôi:
- Volodia, nối máy cho tôi với cái cậu, gọi là gì nhỉ…
- Với ai ạ?
- Với cái cậu nhà văn ý…
- Tsvigun?
- Đúng, đúng rồi.
Còn Tsvigun mỗi khi tới cuối cuộc trò chuyện nào và từ biệt ra về đều cười rất tươi và nói:
- Leonid Ilich, biên giới vẫn được khóa kỹ càng ạ…”.
Cựu Thiếu tướng KGB Aleksandr Medvedev.
Những dấu hiệu tuổi già
Cần phải nói rằng, con đường đi lên đỉnh cao quyền lực của Brezhenev là một sự phát triển hợp lý. Ông đã trải qua những phấn đấu ghê gớm trong cả thời bình lẫn thời chiến. Và cũng đã bắt buộc phải gánh vác trách nhiệm lớn khi thời thế bắt buộc phải làm như vậy. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, không phải lúc nào và không phải trong việc gì ông cũng giữ được phong độ cần có của một người cầm lái.
Để công bằng, cũng cần nhớ lại rằng, theo lời kể của cháu nội ông, Andrei Brezhnev, năm 1978, Tổng Bí thư đã định nghỉ hưu; ông đã bàn việc này với cả vợ. Thế nhưng, “hệ thống” lại không cho. Những người đồng chí gần gụi với ông đều bảo: “Sao đồng chí lại thế, không ai thay được đồng chí đâu. Đồng chí rất tài năng, kiệt xuất, giàu kinh nghiệm...” Thế là Brezhnev đã lại không về hưu…
Aleksandr Medvedev kể:
“Cũng có những khi Brezhnev không muốn tin những bản báo cáo với thông tin không hay. Ông ấy từng nhận được báo cáo về Bí thư Thứ nhất Uzbekistan, Sharaf Rashidovich Rashidov, từ lãnh đạo KGB và từ Churbanov (con rể của ông, thượng tướng, thứ trưởng Bộ Công an), từng đích thân tới nước cộng hòa này và đã biết được nhiều điều từ những người tốt địa phương.
Thế nhưng, Leonid Ilich vẫn tiếp tục duy trì tình bạn với Rashidov. Chủ tịch Xôviết Tối cao Uzbekistan, Nasretdinova, đã lên Moskva để kêu ca về Rashidov, nhưng bà ấy đã không thể nào vào gặp Brezhnev được. Không những thế, bà ấy còn bị đồn thổi nhiều chuyện tồi tệ. Có lẽ ở đây là những mâu thuẫn theo kiểu lợi ích nhóm.
Nhiều kêu ca về các nhà lãnh đạo đảng ở cấp cơ sở đã được chuyển tới trong các chuyến công tác xuống địa phương của Tổng Bí thư. Nhưng chúng không tạo ra được hiệu ứng gì, cả ở thời Brezhnev lẫn thời Gorbachev. Tôi nhớ rất nhiều lời kêu ca về Goryachev, Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Novosibirsk, về Chyonyi, Bí thư Thứ nhất Khu ủy Khabarovsk; dân chúng đã nói thẳng với lãnh đạo những gì mà họ suy nghĩ. Vậy mà chẳng hề có phản ứng gì.
“Sự ổn định của đội ngũ cán bộ - đó là điều kiện tiên quyết của thắng lợi” – phương châm này do Suslov đưa ra và Brezhnev đã tiếp nhận và thực hiện trong thực tế. Tổng Bí thư coi sự ổn định của đội ngũ cán bộ là một trong những đảm bảo cho sự ổn định trong đời sống quốc gia và sự vững chãi của chính mình. Brezhnev thậm chí còn tự hào rằng trong giai đoạn ông làm lãnh đạo, các thủ lĩnh đảng ở các địa phương đã liên tục được yên vị mà không hề có sự xáo trộn nào.
“Giai đoạn trì trệ” đã hình thành ra như thế. Nhiều người ở cấp lãnh đạo cơ sở cảm thấy mình là người bất khả xâm phạm nên đã thỏa sức tự tung tự tác. Chính từ họ, những thủ lĩnh đảng cấp cơ sở đã nảy nòi như căn bệnh ung thư những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, biển thủ…
Các Bí thư Thứ nhất được vào gặp Tổng bí thư một cách thoải mái. Trong thời gian diễn ra các kỳ đại hội hay các hội nghị đảng, họ tập trung hành từng nhóm 15-20 người. Brezhnev hay trợ lý của ông đề nghị: các đồng chí cùng nhau tới, hoặc nếu ai có việc riêng thì đi một mình. Họ cùng nhau vào, và nếu ai có việc cần riêng tư thì ở lại về sau. Sau những cuộc gặp như thế, Tổng bí thư cảm thấy sảng khoái, ông đã được gặp các cán bộ dưới quyền và nhận được vô số những lời ca tụng.
Khi ấy mọi người đều nhìn vào miệng ông mà nói theo.
“Đội hình” đã được hình thành theo nguyên tắc trung thành cá nhân, đơn giản là không tồn tại hệ thống tuyển lựa cán bộ nào khác nữa…
Được rơi vào quỹ đạo của Tổng Bí thư, được ông cho lọt vào mắt xanh đã trở thành ý nghĩa tồn tại. Một lần, tôi đang ở phòng tiếp khách thì nghe thấy tín hiệu gọi của Brezhnev và lập tức đi vào trong phòng làm việc của ông. Leonid Ilich đang ngồi sau bàn và trò chuyện với ai đó. Ông vẫy vẫy tôi lại và im lặng mỉm cười đưa cho tôi cái tai nghe. Tôi nghe thấy giọng của I.V. Kapitonov đang báo cáo với Tổng Bí thư về cuộc gặp gỡ tuyệt vời của mình với các cử tri, về chuyện cuộc gặp gỡ đó thêm một lần khẳng định rằng nhân dân Xôviết yêu quý vị lãnh tụ anh minh Leonid Ilich Brezhnev của mình đến nhường nào, lo lắng đến nhường nào cho tình hình sức khỏe của ông, rằng ai cũng mơ ước được gặp ông… Tôi nghe những tràng đại hải ca ngợi ấy một lúc và khi những mỹ từ nịnh hót giảm đi thì tôi trả lại ống nghe cho Tổng Bí thư.
Brezhnev vừa cười vừa lúc lắc đầu về phía cái máy điện thoại vẫn còn nóng rồi nói:
- Ông này rất muốn trở thành Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị.
Rốt cuộc thì Kapitonov vẫn không được đưa vào làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị.
Hình như đó là lần duy nhất mà tôi nhớ về sự chối từ bổ nhiệm. Đúng hơn, một cố gắng để chối từ.
Tôi đã có mặt trong phòng làm việc của Leonid Ilich khi Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô Piotr Nilovich Demichev bước vào gặp Tổng Bí thư. Như thường lệ, tôi định đi ra ngoài nhưng Brezhnev đã ra hiệu cho tôi ở lại. Khi đó Bộ Chính trị chuẩn bị phê chuẩn Demichev làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Thường thì người ta tới để làm gì trong những trường hợp như thế? Để cảm ơn Tổng Bí thư đã tin tưởng, hứa sẽ dồn hết sức mình để xứng đáng với sự tin cậy ấy… Thế nhưng, Piotr Nilovich lại tới để chối từ: ông cho rằng ông chưa sẵn sàng để nhận cương vị đó, chưa có đủ trình độ…
Brezhnev vốn rất không thích những sự phản biện lại ở cấp Bí thư BCH TƯ. Sự chối từ đó không khiến ông nổi giận, khó chịu nhưng ông đã đáp lại một cách cứng rắn:
- Lý lẽ không thuyết phục. Vấn đề này sẽ được giải quyết ở Bộ Chính trị.
Lúc đó Brezhnev vẫn đang ngồi trên ghế, còn Demichev thì đứng. Cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong hai ba phút. Piotr Nilovich ra về với vẻ bối rối.
Điều chính yếu là trong Bộ Chính trị không ai cảm thấy hoài nghi về việc một người, trước đây chưa từng tham gia vào công tác văn hóa và đang tự công khai thú nhận về sự thiếu hiểu biết của mình trong lĩnh vực này, có thể mang lại lợi ích trên cương vị mới. Khi đó tất cả đều cho rằng, một nhà hoạt động đã lọt được vào đội ngũ những người lãnh đạo cao cấp của Đảng thì có thể chỉ huy bất cứ một lĩnh vực công tác nào.
Khi việc liên quan tới đội ngũ cận kề nhất thì mọi vấn đề, đưa ai lại gần, đẩy ai ra xa, đều do chính Brezhnev tự quyết định, những ứng cử viên ít quan trọng bằng thì do các trợ lý chuẩn bị để ông thông qua. Liên quan tới các Bí thư Thứ nhất các Tỉnh ủy và Khu ủy thì trước khi bổ nhiệm, từng người một được đưa vào gặp Tổng Bí thư.
Hệ thống bổ nhiệm và bãi nhiệm thời đó chưa từng bị trục trặc bao giờ. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm mà Brezhnev cảm thấy không hoàn toàn thoải mái. Tôi vẫn nhớ rõ việc ông đã lo lắng thế nào trước khi cho về hưu Kirili Trofimovich Mazurov, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Ông này là Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Xôviết Tối cao Liên Xô, Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa – đủ hết các chức danh. Ông đã giúp Brezhnev rất tích cực khi trực tiếp triển khai chiến dịch Prague tháng 8-1968. Tôi không rõ đã có chuyện gì xảy ra ở thượng đỉnh. Khi chúng tôi đang đi xe từ Zavidovo sau chuyến đi săn, Leonid Ilich đã gọi điện từ ô tô cho Konstantin Chernenko:
- Kostya, tôi sẽ phải nói chuyện với Mazurov. Liên quan tới việc về hưu. Làm thế nào để tốt hơn, mời tới chỗ tôi hay là…
Tổng Bí thư lo ngại: Mazurov mặc dù không còn trẻ nữa nhưng vẫn rất năng nổ, lỡ đâu ông ấy từ chối về hưu! Kết quả là trước hội nghị BCH TƯ, ngay trong phòng họp, Brezhnev đã nói chuyện với Kirill Trofimovich, thuyết phục ông ấy tự đứng ra yêu cầu hội nghị cho nghỉ hưu. Như thường lệ, mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ.
Nếu như ông ấy không đồng ý thì sao? Trong thực tế thì gần như không thể xảy ra như thế được. Chính quyền có nhiều cách để trừng phạt người bất đồng cũng như có nhiều cách để động viên những ai tuân thủ mệnh lệnh, ngay cả khi họ đã phải thôi giữ những chức vụ cao. Thí dụ như bằng cách đưa đi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền – đây có thể coi như là một sự khích lệ hoặc một sự trừng phạt – tùy theo quốc gia mà vị đại sứ này được cử tới. Hay bằng cách đưa về nhóm thanh tra khét tiếng trong Bộ Quốc phòng - ở đó có nhiều người được sung sướng tới già với đủ các ưu đãi mà lại không phải có trách nhiệm gì đáng kể.
Tôi không loại trừ rằng, khi cho về hưu Mazurov theo gợi ý của ai đó, Leonid Ilich đã tự tìm cách bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình…
Trong số những người gần gụi với Tổng Bí thư, không thể không nhắc tới Andrei Andreyevich Grmomyko. Ông không chỉ là nhà ngoại giao về cương vị công tác mà về chính bản chất tự nhiên của mình. Tôi chưa nghe thấy lần nào ông có ý kiến khác ý kiến của Tổng Bí thư trong bất cứ công việc gì. Theo tôi, Gromyko là người có thể thích hợp với tất cả mọi người...
Cũng xin được phép khẳng định rằng, Brezhnev là người có con mắt xanh trong việc nhìn nhận những người khác. Ít nhất thì không có ai phản bội lại không như từng xảy ra trước ông với Khrushchev hay sau ông, với Gorbachev. Và trong khuôn khổ của hệ thống lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ đã tồn tại từ lâu trước thời của ông (thời kỳ lãnh tụ Stalin), những cán bộ được lựa chọn toàn là những nhân vật kiệt xuất, như Kosygin, Andropov, Ustinov… Tất nhiên, khi họ lớn tuổi thì không phải ai cũng giữ được những phẩm hạnh cũ của mình…”.