Có hay không bệnh 'ghét chính quyền'?

Nguyễn Hòa 10/08/2018 17:00

Tôi không nhớ về thời gian, song mấy năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi đọc một bài báo kể một anh bộ đội coi kho trên Trường Sơn, chiến tranh kết thúc mấy năm mà anh không biết, vẫn một mình cặm cụi giữa rừng. Hằng ngày dọn dẹp, quét tước, củng cố kho tàng xong thì anh trồng sắn, hái rau quả rừng, đào củ, bắt cá suối,… tự nuôi sống mình và trừ muối ra, anh không tơ hào gạo, thực phẩm xếp trong kho. Chỉ đến khi có đoàn địa chất tình cờ phát hiện anh và kho tàng, thì khi ấy anh mới biết đất nư

Có hay không bệnh 'ghét chính quyền'?

Sau tôi làm việc ở Hà Đông, hằng ngày đạp xe từ Thanh Xuân vào đơn vị. Trưa nào có việc, tôi đạp xe về nhà, một giờ chiều lại tất tả đi. Khi ấy ven đường 6 mới mở con đường nhỏ dành cho xe đạp. Đường không bóng cây nên từ trưa là nắng như hắt lửa vào mặt.

Một buổi đầu giờ chiều đang đạp xe trên con đường đó, tôi thấy phía trước có một người mặc quân phục, đầu đội mũ cối, lưng cõng một đứa trẻ đang lúi cúi bước đi. Đến gần, đó là một đàn ông gày gò, mồ hôi nhễ nhại, lưng cõng bé gái, ba-lô to đeo lỉnh kỉnh trước bụng. Tôi dừng xe hỏi, anh bảo vào bến xe Hà Đông, cách đó quãng hai cây số.

Nghe vậy, tôi đề nghị anh để cháu bé ngồi lên giá đèo hàng, đặt ba-lô lên khung xe, tôi dắt xe đi bộ cùng. Anh ngần ngại nhưng tôi tỏ vẻ cương quyết, anh cũng đồng ý. Vừa đi vừa hỏi chuyện, tôi phát hiện ra anh chính là anh bộ đội giữ kho ở Trường Sơn năm nào mà tôi từng biết qua báo chí. Anh kể đã phục viên, về quê lấy vợ, hôm trước anh đưa con gái đi thăm người nhà trên Phú Thọ, hôm nay hai bố con trở về. Chào bố con anh ở bến xe Hà Đông, dù bịn rịn tôi vẫn vội chia tay, vì đến giờ phải có mặt ở đơn vị.

Từ hồi làm báo, nhớ chuyện trên, tôi cứ tiêng tiếc vì không xin địa chỉ của anh để đến thăm. Thú thực, chuyện gặp người cựu binh ấy trở lại trong tôi nhiều lần, nhất là khi gặp trường hợp như tôi đã mục sở thị và đeo bám theo tôi nhiều năm nay, và đã kể trong một bài viết, đại loại: Đến địa phương nọ, tôi bái phục khi thấy anh chủ tịch xã hai tay cầm hai chai bia ghé nắp vào nhau, tách một cái bật luôn hai nắp chai, rất điệu nghệ; bái phục hơn, vừa bật nắp chai bia anh vừa nói: “Báo cáo với các bác, công tác ở địa phương như chúng em có hai cái khổ. Một là bị bà con bảo tham nhũng. Hai là phải uống bia nhiều quá!”.

Nghe tiếng loa oang oang bên ngoài, tôi hỏi, anh chủ tịch bảo đình làng mới sửa sang xong, hôm nay bà con làm lễ; đầu giờ chiều, tôi qua thăm đình, trò chuyện với các cụ, tôi hỏi vì sao loa của đình làng chĩa sang hướng ủy ban, một cụ trả lời: “Chúng tôi xin phép sửa lại đình mà mãi chúng nó mới cho. Hôm nay sửa sang xong, chĩa loa sang bên đó cho bõ tức”!

Để rồi, hễ đến địa phương hay cơ quan nào mà gặp lãnh đạo có tác phong tương tự anh chủ tịch xã nọ, là tôi ngán ngẩm lắc đầu. Để rồi, năm bảy lần vì nể tình mà ăn trưa với cán bộ địa phương, cứ nhìn mâm cơm ề hề thịt cá, chai bia bày san sát, tôi lại nhớ tới mấy chị phụ nữ lúc trước tất bật bê mâm từ nhà hàng nào đó trong xã về trụ sở. Nhìn cách thức lo toan bữa ăn, tôi đoán “tuổi nghề nghiệp” của các chị khá cao!

Để rồi, vừa qua đọc báo thấy tin cán bộ xã ở tỉnh nọ đến nhà hàng ăn nhậu, tiếp khách rồi ghi nợ, có lãnh đạo xã nợ 31 triệu đồng, có lãnh đạo xã hơn 111 triệu đồng, ông chủ nhà hàng ngao ngán cho biết: “Có xã nợ tiền cả trăm triệu nhưng khi cầm sổ nợ lên trụ sở để đòi thì nhận được câu trả lời là chưa có nguồn để thanh toán và hứa lần sau”, thì tôi không ngạc nhiên! Vì tôi từng gặp chuyện như vậy. Ấy là làm việc xong, thấy cán bộ xã A đưa đến nhà hàng ở xã B, tôi tò mò hỏi và được trả lời: “Bên ấy ăn ngon hơn!”. Vào nhà hàng, mấy anh cán bộ xã A lạch bạch bụng phệ cười nói oang oang, gọi món với phong cách của người sành ăn. Khi ra về, nghe một anh gọi với: “Ghi vào đấy, tháng sau thanh toán ông chủ nhé!”, tôi ngượng quá, vội vàng lỉnh nhanh ra ngoài.

Tới hiện tại, hiện tượng một số cán bộ, nhân viên cơ quan công quyền và một số ban ngành ở một số nơi tỏ ra vô cảm, hách dịch, hạch sách, gây khó dễ, gây phiền hà,… khi người dân có thủ tục cần giải quyết, có việc cần được giúp đỡ,… thực sự đang là một vấn nạn trong xã hội. Cùng với đó là tệ tham nhũng, xà xẻo, biển lận từ tiền bạc Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp đền bù, đến tiền bạc được hỗ trợ, cứu trợ, tiền nhân dân địa phương đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng…

Rồi các công sở tòa ngang dãy dọc, đèn đuốc sáng choang, bàn ghế đồ sộ trạm trổ cầu kỳ mà một kẻ đã từng xơi từ cơm bụi đến đại tiệc như tôi nhiều khi bước vào còn thấy mình quá nhỏ bé. Rồi có vị quan chức bệ vệ bước ra từ ô tô bóng loáng, dù nắng hay mưa đã có mấy chú giương ô lon xon chạy theo, và thi thoảng vị quan chức lại đứng chỉ tay theo phong cách “Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh - Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”. Rồi biệt phủ nguy nga, đồ sộ của một số quan chức được giải thích là xây dựng từ tích lũy đồng lương ba cọc ba đồng, nuôi gà, lợn, từ buôn chổi đót...

Tất cả phối kết với nhau đẩy tới hệ quả là sự nghiêm túc của rất nhiều cán bộ, nhân viên, tinh thần trách nhiệm của nhiều cơ quan công quyền và ban ngành như bị che khuất, mà chềnh ềnh trên bề mặt đời sống là nhiều thói xấu làm cho nhiều người dân e ngại, thiếu tin cậy, đặc biệt là với các bộ phận trực tiếp liên quan tới cuộc sống hằng ngày, liên quan đến việc giải quyết lợi ích thiết thực của người dân. Nên khi trên mạng xã hội có người khái quát căn bệnh “ghét chính quyền” tôi không quan tâm lắm, song về sau, khi căn bệnh này ngày càng được nhắc tới nhiều hơn thì tôi ngờ ngợ.

Và từ ngờ ngợ tôi đi đến xác thực khi đọc điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, rằng: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất”.
Tôi nghĩ, với người coi chính quyền là mục tiêu để tiến công, nói xấu, bôi nhọ,… thì không nói làm gì. Chỉ riêng việc họ suốt ngày lên mạng soi mói, bới móc, khai thác hiện tượng tiêu cực của một số cơ quan công quyền, hoặc của cá nhân có quyền lực rồi chửi bới cũng đã thấy họ muốn hướng đến đâu. Tuy nhiên điều tôi quan tâm là không ít người lại a dua theo họ và theo tôi, dường như hiện tượng một số người mỗi khi có việc cần đến gặp cơ quan công quyền giải quyết việc gì đó là lăm lăm smartphone để quay phim, chụp ảnh, ghi âm,… và hễ thấy “có vấn đề” là lập tức đưa lên mạng xã hội đã biểu lộ một vấn đề, một tình trạng xã hội không thể xem thường?

Phải chăng thái độ, cách thức đáp ứng, giải quyết nhu cầu của công dân ở một số cơ quan công quyền đã đưa tới ấn tượng tiêu cực và trầm trọng đến mức làmnhân dân suy giảm niềm tin, làm nảy sinh bệnh “ghét chính quyền”? Từ đó nhất cử nhất động trong hoạt động của chính quyền dễ bị soi mói theo cung cách “vạch lá tìm sâu”? Trên thực tế, ấn tượng đó còn có khả năng sâu đậm hơn khi người dân được chứng kiến hiện tượng một số viên chức (nhất là viên chức có chức quyền) thì giàu lên, và việc họ làm tỷ lệ nghịch với điều họ nói? Thiết nghĩ đó là vấn đề cần đặt ra và xem xét để tìm nguyên nhân, sớm tìm biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Trở lại với anh bộ đội coi kho trên Trường Sơn năm nào, có thể thấy ngày nay người như anh là cực kỳ hiếm hoi, và cũng hiếm hoi như sự thiếu vắng hình ảnh tương tự của nhiều cán bộ, đảng viên trong các giai đoạn lịch sử trước vẫn “ba cùng” với nhân dân. Đó là những con người mà mục đích hành động của họ luôn vì lợi ích của mọi người, chứ không chỉ vun vén lợi ích bản thân, gia đình, họ hàng, chiến hữu trong “nhóm lợi ích”. Tất nhiên, khi thời đại đã khác trước, khi cuộc sống đã khác trước, không thể đòi hỏi những cá nhân có quyền lực vẫn phải sống như thế hệ đi trước, nhưng việc tạo ra “khoảng cách vô hình” giữa cơ quan công quyền và người có quyền lực với nhân dân - bộ phận quan trọng nhất của xã hội, là điều không thể chấp nhận. Bởi, gần dân và tất cả vì lợi ích của nhân dân vẫn là mẫu số chung duy nhất giữa thế hệ đi trước với thế hệ đi sau.

Và từ rất sớm, Bác Hồ đã từng cảnh báo những người mà: “Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo chưng diện, hưởng thụ, lãng phí của công tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”. Cho nên tôi nghĩ, nếu hiện tượng “ghét chính quyền” là có thật thì không sớm khắc phục, việc “mất dân” là khả năng luôn có thể đặt ra trực tiếp.

Nguyễn Hòa