Viêm da mùa mưa lũ

Giang Hương 09/08/2018 14:00

Hiện đang là mùa mưa lũ, cũng là thời điểm bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng xuất hiện. Viêm da do tiếp xúc với côn trùng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, lo lắng và có thể thành dịch.

Viêm da mùa mưa lũ

Kiến ba khoang.

Theo các bác sĩ, viêm da tiếp xúc do côn trùng là trạng thái viêm da kích ứng với hóa chất tiết ra từ côn trùng. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện trên da các vết đỏ, mụn nước và ngứa rát. Ban đầu chỉ có một hoặc vài đám da đỏ, dài như vết cào xước, hơi phù nề, sau vài giờ hoặc một ngày xuất hiện mụn nước, bọng nước và rất rát.

Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ, nhiều loại côn trùng theo ánh đèn bay vào nhà. Nhiều người vô tình tiếp xúc với côn trùng như bọ xít, kiến ba khoang, thiêu thân có nhiều phấn, rết, côn trùng cánh cứng… có thể gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc bởi các loại côn trùng này có chứa các chất độc, khi cắn hoặc tiếp xúc với da sẽ gây kích ứng viêm da.

Vì loài côn trùng nhỏ bé nên khiến nhiều người dễ xem thường và bỏ qua. Nhưng đó là những suy nghĩ sai lầm bởi có nhiều loài côn trùng có chứa độc tố gây hại cho da, đặc biệt là gây nên bệnh viêm da tiếp xúc. Trong các loại côn trùng đốt gây viêm da thì kiến ba khoang có lẽ là loài độc nhất. Khi bị chất độc của kiến ba khoang trên da, da sẽ có tổn thương dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

Tổn thương da do kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Tại vùng tổn thương, người bệnh có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Điển hình của viêm da do kiến ba khoang, đó là người bệnh sẽ có cảm giác râm ran ngay sau khi tiếp xúc với chất độc của kiến, nhưng phải sau 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.

Nếu bị côn trùng đốt, trên da chỉ có dát đỏ hay vết đỏ thì người bệnh chỉ cần điều trị tại nhà: dùng nước muối loãng 9‰ chấm ngày 3 - 4 lần nhằm trung hòa độc tố của côn trùng, tránh rửa nước nhiều, tránh kỳ cọ làm da tróc vẩy. Nếu trường hợp đau rát nhiều, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu khám và điều trị bằng các thuốc chuyên khoa từ 4 - 6 ngày, điều trị bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng nếu điều trị đúng và kịp thời bệnh sẽ khỏi sau 5- 7 ngày mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nên bôi mỡ làm dịu da như hồ nước, kem kẽm, kem corticoid. Nếu nhiễm trùng có thể bôi thêm kem kháng sinh. Kháng histamin có tác dụng giảm ngứa, giảm kích ứng.

Khi bị viêm da do tiếp xúc côn trùng và thấy các dấu hiệu bệnh ngày càng nặng lên, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị phù hợp, không tự ý đắp lá hoặc dùng thuốc không nguồn gốc, dễ khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn.

Để phòng tránh bệnh, cần phát quang bụi rậm xung quanh nhà để tránh nơi côn trùng cư ngụ. Đêm ngủ nên đóng kín cửa, nằm màn. Nếu thấy côn trùng bò lên da thì nên lấy giấy hoặc thổi côn trùng đi, không nên bắt, chà xát hoặc giết nó gây thương tổn và chất tiết tiếp xúc với da nhiều hơn. Khi phát hiện côn trùng gần khu vực sống nên đóng cửa hoặc dùng lưới rất nhỏ để ngăn côn trùng không vào trong nhà, trong phòng.

Giang Hương