Tạo sinh kế cho dân

Hà Giang 08/08/2018 08:00

Trong những năm gần đây, nhằm tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã có nhiều chính sách hỗ trợ bằng việc đầu tư cao hơn quy định, phù hợp thực tế, để người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Tạo sinh kế cho dân

Trồng thảo quả để tạo sinh kế bền vững.

Theo đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong 2 lĩnh vực chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa. Đa phần chính sách này được xây dựng dựa trên các chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh như: Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh, Nghị định 210 của Chính phủ...

Tuy nhiên, có nhiều chính sách huyện Quản Bạ đã căn cứ theo thực tế của địa phương và đổi mới phương thức hỗ trợ với mức hỗ trợ cao hơn nhiều các chính sách đã và đang được Trung ương, tỉnh triển khai. Sự linh động trong ứng dụng và đầu tư này đều với mục đích khi thực hiện sẽ đạt được hiệu quả cao nhất và theo đúng định hướng, mục đích là thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Trong các chính sách này phải kể đến chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu và chăn nuôi hàng hóa.

Trước đến nay, trồng cây dược liệu vốn là thế mạnh của Quản Bạ. Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và mối liên kết sẵn có giữa các địa phương đang gieo trồng, sản xuất dược liệu với các cơ sở, công ty chế biến dược liệu trong nước, cơ chế hỗ trợ của Quản Bạ hiện nay là hỗ trợ theo từng loại dược liệu với từng mức đầu tư cao hoặc thấp khác nhau.

Trong đó với nhiều loại dược liệu, huyện đã áp dụng mức đầu tư thấp nhất là 10 triệu đồng/ha, diện tích trồng tập trung tối thiểu là 1ha. Trong khi đó, mức hỗ trợ theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh với tất cả các loại cây dược liệu nói chung, mức tối đa là 2 triệu đồng/ha, quy mô trồng tập trung tối thiểu 3ha trở lên.

Hiện nay đối với các loại cây dược liệu thì mức đầu tư thấp nhất cũng phải từ 20 triệu đồng/ha trở lên. Với mức hỗ trợ như của tỉnh ban hành thì khó tạo động lực cho người dân phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, điều kiện đi kèm tối thiểu 3ha trở lên cũng rất khó đối với các hộ gia đình. Vì vậy với những chính sách hỗ trợ của huyện sẽ giúp người dân mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.

Điều này được khẳng định thực tế qua mô hình HTX Cộng đồng Nặm Đăm (xã Nặm Đăm), một trong 5 HTX trồng, sơ chế dược liệu ở Quản Bạ. Năm 2013 và 2014, HTX chỉ trồng hơn 3ha cây dược liệu các loại, nhưng năm nay, với cơ chế hỗ trợ mới của huyện, các xã viên trong HTX đã và đang chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng cây lương thực sang trồng dược liệu, nâng tổng số diện tích trồng dược liệu của HTX lên khoảng 8ha. Nếu cơ chế hỗ trợ này thực hiện lâu dài, chắc chắn HTX sẽ còn trồng thêm nhiều diện tích nữa.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, chính sách hỗ trợ chăn nuôi của Quản Bạ cũng có nhiều nét mới. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Mức hỗ trợ của huyện Quản Bạ cho 1ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ là 18,6 triệu đồng. Số tiền này nhằm mục đích hỗ trợ người dân mua lương thực trong một vụ ngô không sản xuất trong năm, tránh tình trạng thiếu đói trong thời gian đầu chuyển đổi. Chính sách này được người dân rất hài lòng và đồng tình.

Mặc dù có nhiều điều kiện và yêu cầu đi kèm nhưng việc tạo điều kiện của Quản Bạ đã đánh trúng tâm lý, mong muốn và phù hợp với người dân. Đến nay, những chính sách này đang được thực hiện. Tin tưởng rằng sau khi nguồn vốn đến tay người dân nó sẽ đem lại hiệu quả như mong đợi.

Hà Giang