Chống ngập tại TP Hồ Chí Minh: Linh hoạt giải pháp, cân nhắc chi phí
Ngày 9/8, UBND TP HCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải. Tại đây, nhiều đề xuất đầu tư, giải pháp chống ngập cho thành phố được đưa ra. Một số đóng góp cho rằng, thành phố cần thận trọng, linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp và cân nhắc chi phí chống ngập, xử lý nước để đạt hiệu quả cao.
Theo UBND TP HCM, công tác chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn thực hiện theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM. Thành phố nỗ lực không ngừng để kéo giảm và hạn chế tình trạng ngập nước, song công tác chống ngập vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho chống ngập của TP HCM khoảng 96,3 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đã triển khai là 22,9 ngàn tỷ đồng (đáp ứng được 28% nhu cầu).
Như vậy, thành phố đang thiếu hụt khoảng 73,3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư. Với mức trên, ngân sách thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.338 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng, còn lại là kêu gọi nguồn xã hội hóa (PPP) là 20.283 tỷ đồng, vận động nguồn ODA (kết hợp PPP) là 36.132 tỷ đồng.
Do quy hoạch chậm thay đổi theo chiều hướng tích cực, ngân sách eo hẹp, vì vậy lãnh đạo thành phố kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư vào dự án chống ngập, xử lý nước thải góp phần thúc đẩy thành phố phát triển bền vững. Theo kế hoạch, TP HCM sẽ mời gọi đầu tư 17 dự án thuộc lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải.
Với 17 dự án chống ngập và xử lý nước thải, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố hy vong sẽ giúp xóa ngập cho 13/17 tuyến đường bị ngập nước do mưa; 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây; 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều, đồng thời xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải
Liên quan đến giải pháp chống ngập nước trên địa bàn TP HCM, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, đại diện Đại học Quốc gia TP HCM nhấn mạnh: “Thách thức trong quản lý ngập hiện này là ngập cục bộ do hạ tầng thoát nước chưa hoàn chỉnh và quản lý vận hành duy tu chưa đầy đủ. Bên cạnh đó còn chưa tính đến rủi ro trong tương lai đô thị có thể bị lún, mưa cực trị, lũ thượng lưu, hạ tầng xuống cấp... TP HCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cho nên có nhiều cơ hội để lồng ghép, cùng với điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất thuận lợi cho triển khai không gian điều tiết”.
Tại hội nghị, ông Laurent Umans – đại sứ quán Hà Lan cho biết, muốn chống ngập thành phố phải giảm việc khai thác nước ngầm. Nghĩa là, cần đường ống cấp nước mới, nhà máy xử lý nước, các khu vực chứa nước, kết nối hộ gia đình. Đặc biệt, đảm bảo TP không phát triển về phía biển. Ông Laurent Umans cho biết thêm, TP HCM đang bị sụt lún khoảng 7cm mỗi năm. Dự kiến 50 hoặc100 năm nữa, một phần thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy. Thành phố đã đầu tư vào một đối tác công - tư để xây dựng một hệ thống vành đai với các cống thủy triều. Tuy nhiên, việc các cống bị chìm dường như không được xem xét hợp lý khiến tuổi thọ của các dự án đầu tư giảm đáng kể.
Theo ông Laurent Umans, thành phố cần thận trọng, linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp và cân nhắc chi phí chống ngập, xử lý nước để đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, TP HCM sẽ triển khai đồng bộ 4 giải pháp thi công trình gồm nâng cao chất lượng, quản lý quy hoạch; bổ sung chính sách thu hút đầu tư đủ mạnh; tăng cường liên kết hợp tác khoa học công nghệ, nâng cao công tác dự báo và giải pháp tuyên truyền để người dân cùng chung tay tham gia vào công tác chống ngập của TP HCM.