Bảo vệ môi trường phải từ những việc làm cụ thể, thiết thực
Ngày 10/8, tại huyện Hải Hậu (Nam Định), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn triển khai chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2018. Đối tượng được tập huấn là cán bộ mặt trận, đại diện một số khu dân cư thuộc các tỉnh phía Bắc...
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nhấn mạnh đến sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay, cần sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình, tổ chức, cộng đồng dân cư. Với vai trò, trách nhiệm của mình, các cán bộ tham gia tập huấn cần tập trung nghiên cứu, nắm chắc những nội dung tập huấn. Trên cơ sở đó có kế hoạch, phương pháp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ở địa phương hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu về hiện trạng và công tác quản lý nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu qua thực tế tại tỉnh Nam Định.
Đồng thời, được nghiên cứu các chuyên đề: vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; những nội dung cơ bản của Chương trình phối hợp số 20, ngày 26/12/2016 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường; Hướng dẫn số 84, ngày 30/8/2017 của UBTƯ MTTQ Việt Nam về “Xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Đối tượng được tập huấn là cán bộ Mặt trận, đại diện một số khu dân cư thuộc các tỉnh phía Bắc.
Trong khuôn khổ hội nghị tập huấn, các đại biểu đến từ các khu dân cư thuộc các tỉnh phía bắc đã chia sẻ thực tế về tình trạng môi trường ở địa phương mình, những việc hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư địa phương đang thực hiện để bảo vệ; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
Các ý kiến đều thống nhất một điểm, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, được nhà nước đầu tư nguồn lực cần thiết, sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu rất cần đến sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của MTTQ và các tổ chức thành viên; ý thức, trách nhiệm của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như không vứt rác ra đường, ra sông; phân loại rác tại nhà; thay đổi phương thức sản xuất đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường...