Xử lý tài sản không giải trình được: Chưa có hồi kết

H.Vũ 11/08/2018 07:35

Chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Sau nhiều lần thảo luận, vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Xử lý tài sản không giải trình được: Chưa có hồi kết

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang.

Thêm phương án mới

Tại phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình UBTVQH 2 phương án, trong đó phương án 1 là phương án mới hoàn toàn.

Phương án 1 quy định: Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước; việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do Tòa án quyết định. Trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự quy định tại khoản này.

Phương án 2 quy định: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm: Chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do phạm tội mà có; Chuyển vụ việc sang cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do vi phạm hành chính mà có; Nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong phương án 1, chưa gì đã xác định, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc “sở hữu của Nhà nước” là vô lý. Mọi việc phải do Tòa án quyết định, Tòa phán xử theo quy định của pháp luật.

Cùng chung quan điểm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc xác lập tài sản thông qua con đường tố tụng dân sự để các bên trao đổi chứng minh sau đó Tòa mới phán quyết. Bây giờ đưa ngay vào coi là căn cứ dân sự để Tòa phán quyết làm cho Tòa ngay từ đầu đã công nhận của Nhà nước thì người dân dễ bức xúc. Cho nên phải diễn đạt lại, cần bỏ “thuộc sở hữu của Nhà nước”.

Phải bảo đảm tính khả thi

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Tại các nước, khi hình thành tài sản đều có ghi chép tài sản khi tiêu dùng mua bán đều có hóa đơn, chứng từ. Đi uống cà phê hay chè đều có hóa đơn. Còn ở ta từ lúc sinh ra đến lúc đến lúc đi làm có thu nhập khi tiêu dùng mua sắm đều không có hóa đơn. Vậy căn cứ vào đâu để xác định tính“hợp lý” của bản giải trình, vì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý. Đơn cử như bảo xây nhà thì giấy tờ mua sắt, gạch, xi măng ở đâu? Như vậy mới hạch toán được.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, luật pháp phải chặt chẽ, nhất là vấn đề phòng, chống tham nhũng vì ngoài phòng, chống tham nhũng còn mục tiêu ổn định, để phát triển kinh tế. Cho nên tư duy cần toàn diện. Ở các nước họ có công cụ quan trọng là thuế, kiểm soát chặt thu nhập của công dân được kê khai và phản ánh đầy đủ. Cho nên thu nhập không phân biệt hợp pháp hay bất hợp pháp cứ có thu nhập là nộp thuế, còn chứng minh bất hợp pháp là xử lý sau, còn trốn thuế là xử phạt, thậm chí là hình sự. Đại hội VIII đã bàn đến hệ thống thuế, điều tra thuế, tất cả công dân đều phải kê khai thuế thu nhập, kiểm soát thông qua thanh toán không dùng tiền mặt. Tất cả giao dịch mua hàng trên 50 ngàn đồng phải có hóa đơn nếu làm được thì kiểm soát được tất cả. Cho nên cái nào không rõ thu nhập cứ thu thuế thu nhập theo các mức quy định. Như thế là minh bạch, và đàng hoàng.

Xử lý tài sản không giải trình được: Chưa có hồi kết - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm nghiêng về phương án đóng thuế (phương án thu thuế 45% của Chính phủ trình trước đây). Theo bà Hải, ra Tòa là văn minh vì Tòa là cơ quan độc lập nhưng phải có chứng cứ. Như Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước, trong đó vấn đề bồi thường oan sai yêu cầu người bị oan sai phải xuất trình bao nhiều giấy, từ việc hóa đơn chứng từ vợ con thăm nuôi mà không làm được, gặp rất nhiều khó khăn. Vậy Luật này mà đưa ra Tòa để chứng minh liệu có phù hợp? Trong khi hiện xác định tham nhũng vặt để xử lý còn khó khăn. Do đó để đảm bảo tính khả thi nên theo phương án thu thuế.

Theo ông Nguyễn Thái Học- Phó Ban Nội chính Trung ương, phương án 1 là công khai minh bạch nhưng băn khoăn về tính khả thi. “Phương án này sẽ khả thi khi cơ quan quản lý tài sản có năng lực và độc lập chứ cơ quan tổ chức cán bộ, hay cơ quan thanh tra chỉ là tham mưu, anh có dám nói kê khai của lãnh đạo không hợp lý và đưa ra Tòa không? Tôi e là không! Về pháp lý là tốt nhưng tính khả thi thế nào? Có đi vào cuộc sống hay không?”- ông Học nói.

Liên quan đến phương án đánh thuế, ông Học không ủng hộ phương án này vì như vậy thừa nhận tài sản đó là hợp pháp và người dân không đồng tình. Mà nên cân nhắc phương án xử lý hành chính vì cán bộ mà không nghiêm minh thì bị xử lý hành chính, sau đó gián tiếp là xử lý tài sản 45%.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là Dự án Luật quan trọng, Quốc hội đã thảo luận tại 2 kỳ họp và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 để thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Có nhiều phương án, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nên rút lại 2 phương án. Đó là phương án tố tụng ra tòa, coi như tài sản tăng thêm mà không giải trình phải qua tòa án để tòa phán quyết. Việc phán quyết theo trình tự tố tụng dân sự có tranh tụng, luật sư để tòa quyết của người sở hữu tài sản hay của nhà nước. Thứ hai là phương án thu thuế (phương án cũ mà Chính phủ trình). Theo đó coi tài khoản thu nhập tăng thêm mà cơ quan kiểm soát tài sản không chứng minh được là bất hợp pháp thì tạm thời cứ coi như là hợp pháp để đóng thuế, còn sau này chứng minh là bất hợp pháp thì xử lý hình sự. Nếu xác định tài sản tham nhũng, hay do tham nhũng mà có thì phải tịch thu 100%, có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cho cơ quan pháp luật xử lý.

Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm nghiêng về phương án đóng thuế (phương án thu thuế 45% của Chính phủ trình trước đây). Theo bà Hải, ra Tòa là văn minh vì Tòa là cơ quan độc lập nhưng phải có chứng cứ. Như Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước, trong đó vấn đề bồi thường oan sai yêu cầu người bị oan sai phải xuất trình bao nhiều giấy, từ việc hóa đơn chứng từ vợ con thăm nuôi mà không làm được, gặp rất nhiều khó khăn. Vậy Luật này mà đưa ra Tòa để chứng minh liệu có phù hợp? Trong khi hiện xác định tham nhũng vặt để xử lý còn khó khăn. Do đó để đảm bảo tính khả thi nên theo phương án thu thuế.

H.Vũ