Bất cập quản lý an toàn thực phẩm và phòng, chống HIV/AIDS
Ngành chức năng vừa tiến hành thanh tra và phát hiện hàng loạt sai sót trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và phòng, chống HIV/AIDS tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 4.155 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý, trong đó có 417 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 1.617 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.121 cơ sở dịch vụ ăn uống.
Mới đây, ngành chức năng tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, công tác thẩm định, cấp các loại giấy liên quan đến ATTP cơ bản được thực hiện theo đúng quy định, song vẫn còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, hồ sơ có giấy khám sức khỏe chưa đáp ứng đầy đủ các thông tin, các nội dung theo quy định, như ghi thiếu nhiều thông tin của người khám, không có số giấy khám, ảnh không có dấu giáp lai. Giấy khám sức khỏe không có kết luận phân loại sức khỏe...
Ngành chức năng đã lấy ngẫu nhiên 10 bộ hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được Chi cục cấp để kiểm tra. Kết quả cho thấy, có 1 hồ sơ chưa hoàn toàn phù hợp với hồ sơ được công bố và Giấy xác nhận đăng ký quảng cáo đã được Cục ATTP cấp.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, công tác kiểm nghiệm thực phẩm tại Trung tâm phòng, chống bệnh tật còn thiếu sót, bao gồm cả hoạt động chuyên môn và việc quản lý hóa chất. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên 10 bộ hồ sơ kiểm nghiệm cho thấy, thông tin về mẫu trên phiếu kết quả kiểm nghiệm không đầy đủ. Không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lô sản xuất đối với mẫu là các sản phẩm bao gói sẵn.
Bên cạnh đó, công tác bảo quản mẫu lưu chưa cẩn thận, có mẫu lưu bị mất mã số mẫu, không cung cấp được thông tin của mẫu lưu và truy xuất nguồn gốc. Một số thiết bị không được ghi chép đầy đủ trong nhật ký sử dụng. Khu vực để hóa chất chưa sắp xếp gọn gàng, nhiều hóa chất hết hạn sử dụng để lẫn với hóa chất còn hạn sử dụng.
Quá trình kiểm tra, đánh giá hồ sơ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, ngành chức năng có thẩm quyền xác định, việc triển khai đoàn thanh tra chưa được thực hiện đầy đủ theo quy trình, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Bên cạnh đó, biên bản vi phạm hành chính không ghi cụ thể hành vi vi phạm. Quyết định xử phạt đối với cơ sở có nhiều hành vi vi phạm, song không thể hiện rõ từng vi phạm được quy định ở điểm, điều, khoản nào và xử phạt bao nhiêu tiền...
Trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng lộ rõ nhiều bất cập. Theo báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Phúc, tính đến ngày 31/3/2018 lũy tích có 4.169 người nhiễm HIV. Tỉ lệ người hiện mắc HIV của toàn tỉnh trên 100.000 dân theo số báo cáo là 119 người, trong đó 3 huyện có tỉ lệ người nhiễm trên 100.000 dân cao nhất là Vĩnh Yên (197 người), Sông Lô (157 người), và Phúc Yên (150 người). Đáng chú ý, người nhiễm HIV tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động, nhất là nhóm từ 36 đến 39 tuổi.
Theo ngành chức năng có thẩm quyền xác định, Sở Y tế Vĩnh Phúc chưa tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội…triển khai các cơ sở điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện thuộc từng ngành để chuyển tiếp điều trị cho những người nghiện các dạng thuốc phiện đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện chưa hoàn toàn đảm bảo về nhân sự, cơ sở vật chất trang thiết bị theo quy định. Đoàn thẩm định cơ sở đủ điều kiện điều trị thay thế nghiện bằng Methadol chưa đáp ứng quy định về nhân sự theo quy định.
Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế Vĩnh Phúc về phòng, chống HIV/AIDS chưa được quan tâm...